
Bài viết này được viết bởi Philip de Ath, Giám đốc vận hành tại Schoolisting.
Nguyễn Hà Thanh Thảo dịch sang tiếng Việt.
Mục lục |
Giới thiệu |
Tạo sự khác biệt khi trò chuyện với con bằng ngôn ngữ tích cực |
Cách đơn giản để giao tiếp hiệu quả với con |
Kết luận |
Giới thiệu
Bạn có biết rằng chỉ cần 5 phút chú ý trọn vẹn cũng có thể củng cố tình cảm của bạn với con không? Là một bậc phụ huynh bận rộn, phải loay hoay với nhiều việc, bạn thường cảm thấy có lỗi vì không dành đủ thời gian chất lượng để giao tiếp với con. Tuy nhiên, sự chú ý trọn vẹn rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ, và giao tiếp hiệu quả là chìa khóa để vượt qua khoảng cách giữa lịch trình bận rộn của bạn và nhu cầu của con.
Giao tiếp hiệu quả với con giúp xây dựng sự gắn kết ý nghĩa, bồi dưỡng niềm tin ở con, tăng cường sự tự tin và nuôi dưỡng trí thông minh cảm xúc. Khi bạn thành thạo nghệ thuật giao tiếp hiệu quả, ngay cả trong những khoảnh khắc bận rộn nhất, bạn sẽ nhận thấy con bớt cơn giận dữ, hợp tác tốt hơn và bầu không khí gia đình hài hòa hơn, khiến việc nuôi dạy con trở nên ý nghĩa và nhẹ nhàng hơn.
Hiểu rõ những khó khăn của bạn, chúng tôi đã tổng hợp các chiến lược giao tiếp hiệu quả, tiết kiệm thời gian mà bạn có thể dễ dàng kết hợp trong thói quen của mình. Mỗi chiến lược được thiết kế để phù hợp với lịch trình hiện tại của bạn, giúp bạn vun đắp tình cảm mà không tăng thêm áp lực cho bạn.
Tạo sự khác biệt khi trò chuyện với con bằng ngôn ngữ tích cực
Ngôn ngữ bạn lựa chọn khi giao tiếp với con có tác động sâu sắc đến hành vi, lòng tự trọng, bản ngã và sự phát triển cảm xúc của con. Bạn thường hay nói "không" hoặc "đừng" (những cụm từ tiêu cực), nhưng những từ này có thể tạo ra sự phản kháng và bực bội ở con. Một sự thay đổi nhỏ sang cách diễn đạt tích cực sẽ tạo nên sự khác biệt lớn với con.
Ví dụ, khi con chạy nhảy trong nhà, thay vì nói "Đừng chạy", hãy thử nói "Chúng mình cùng đi bộ vào nhà nhé". Sự thay đổi tinh tế này tập trung vào điều bạn muốn con làm hơn là điều bạn không muốn con làm, giúp con dễ dàng hiểu và làm theo hướng dẫn của bạn.
Hãy thử những cách nói tích cực sau, thay cho những cụm từ mang tính tiêu cực và xem con thay đổi như thế nào:
Hãy thử nói | "Hình như con đang buồn, hãy cùng ba/mẹ hít thở sâu nhé.” | Thay vì nói | "Đừng khóc nữa" |
Hãy thử nói | "Chúng mình chỉ nên xem những đồ vật này thôi nhé" | Thay vì nói | "Không được chạm vào đồ vật" |
Hãy thử nói | "Con vui lòng nói nhỏ tiếng khi ở trong nhà nhé" | Thay vì nói | “Đừng la hét” |
Hãy thử nói | "Hãy để đồ chơi vào đúng nơi của chúng nhé" | Thay vì nói | "Đừng bày bừa đồ chơi” |
Hãy thử nói | Hãy cùng tìm cách chơi với nhau thật vui vẻ nhé" | Thay vì nói | "Ngưng đánh nhau với chị/em con đi" |
Những cách thay thế tích cực này sẽ mang lại hiệu quả vì chúng hướng dẫn trẻ đến những hành vi mong muốn mà vẫn giữ được lòng tự trọng của trẻ. Khi bạn giao tiếp theo cách này, bạn tạo ra một môi trường mà con cảm thấy được công nhận, tôn trọng và thấu hiểu, khiến con hợp tác hơn. Bản chất của việc sử dụng ngôn từ tích cực không phải là sự dễ dãi, mà là giao tiếp rõ ràng và mang tính xây dựng.
Tuy nhiên, việc thay đổi cách nói của bạn cần thời gian và luyện tập. Hãy giữ một quyển sổ tay nhỏ trong túi hoặc dùng điện thoại để ghi lại những câu nói tiêu cực mà bạn thường dùng. Bắt đầu với một hoặc hai câu bạn hay sử dụng và dần dần xây dựng bộ công cụ giao tiếp tích cực của mình. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên trước phản ứng nhanh chóng của con khi được hướng dẫn nhẹ nhàng và tập trung vào hành vi khuyến khích như thế này.
Cách đơn giản để giao tiếp hiệu quả với con
Giao tiếp hiệu quả với ngôn từ đơn giản, dễ hiểu
Khi giao tiếp với con, hãy nhớ rằng sự đơn giản chính là trợ thủ đắc lực của bạn. Như câu nói quen thuộc, càng đơn giản càng hiệu quả. Trẻ con suy nghĩ khác với người lớn. Nói chuyện với trẻ cũng giống như khi bạn xây một cây cầu; cây cầu càng đơn giản thì càng hiệu suất. Sử dụng từ ngữ dễ hiểu giúp trẻ nắm bắt được thông điệp của bạn tốt hơn. Nó giống như tạo ra một đường kết nối thẳng từ ý tưởng của bạn đến tâm trí của con. Ngược lại, từ ngữ phức tạp hoặc câu dài dòng chỉ làm con thêm bối rối và khó chịu.
Tuy nhiên, việc sử dụng ngôn ngữ đơn giản không phải là làm mọi thứ trở nên đơn giản quá mức, mà là giúp giao tiếp trở nên dễ tiếp cận và hiệu quả hơn. Khi bạn nói rõ ràng, con sẽ tự tin hơn trong việc hiểu và đáp lại yêu cầu của bạn. Một cách tuyệt vời là quan sát cách con giao tiếp và học theo trình độ ngôn ngữ của con. Nếu con sử dụng những từ ngữ cụ thể để mô tả điều gì đó, cũng hãy sử dụng những từ đó khi bạn trò chuyện cùng con. Điều này giúp tạo ra một môi trường giao tiếp thoải mái, nơi con cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu.
Ví dụ, nếu con gọi chiếc chăn của chúng là "cái ôm," hãy sử dụng tên gọi đó: "Đến giờ lấy cái ôm và đi ngủ rồi." Cách sử dụng từ riêng biệt này thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với con và tăng thêm ý nghĩa của những hướng dẫn bạn đưa ra.
Đây là một số mẹo thực tế cho bạn:
- Sử dụng các từ ngữ cụ thể thay vì khái niệm trừu tượng. Ví dụ, thay vì nói "Hãy chu đáo", hãy nói "Con vui lòng hãy chia sẻ đồ chơi của con với em nhé".
- Nói ngắn gọn và tập trung. Đừng nói: "Đến giờ ngủ rồi, có nghĩa là con hãy cất đồ chơi, đi tắm, đánh răng và mặc đồ ngủ nhé", mà hãy chia nhỏ thành: "Đầu tiên, con hãy dọn đồ chơi. Sau đó chúng ta sẽ đi tắm nhé."
- Sử dụng từ ngữ phù hợp với độ tuổi của trẻ. Với trẻ hai tuổi, bạn chỉ cần nói "Đến giờ uống sữa rồi con". Với trẻ năm tuổi, hãy nói "Con muốn sữa hay uống nước trong bữa ăn nhẹ nào?".
Bằng cách sử dụng ngôn ngữ đơn giản hơn, bạn có thể nhận thấy con ít khi nói "Con không hiểu" hoặc thấy bối rối hơn. Điều này dẫn đến hoạt động trong ngày sẽ diễn ra suôn sẻ hơn, ít cáu gắt hơn và thêm nhiều tương tác thú vị giữa bạn và con yêu.
Lắng nghe chủ động: Hơn cả việc chỉ nghe
Bạn đã bao giờ nghĩ rằng bạn không có thời gian để lắng nghe con nói, đặc biệt những khi bạn đang phải xoay sở với rất nhiều việc? Nhưng đối với trẻ, khi con cảm thấy được lắng nghe, con hiểu cảm xúc của mình tốt hơn và trở nên thoải mái hơn khi chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc.
Vẻ đẹp của việc lắng nghe chủ động nằm ở sự đơn giản. Hãy ngồi thấp xuống, ngang tầm mắt của con, duy trì giao tiếp bằng mắt một cách nhẹ nhàng và phản hồi lại cảm xúc của con, hành động này có thể tạo ra hiệu quả tuyệt vời ngay lập tức.
Tôi khá chắc chắn rằng bạn đã trải qua tình huống thường gặp này. Bạn đang chuẩn bị bữa tối, và đứa con bốn tuổi của bạn, với một tràng từ ngữ vội vã, không thể chờ để chia sẻ một câu chuyện dài về ngày hôm nay của con ở trường mẫu giáo. Bạn đã lắng nghe, thỉnh thoảng gật đầu, nhưng ánh mắt của bạn thì dán chặt vào nồi hầm đang sôi sùng sục trên bếp. Nhưng đó là điều tồi tệ nhất bạn nên làm. Thay vào đó, hãy tắt bếp trong giây lát, quay về phía con và nói: "Hãy nói cho ba/mẹ biết phần thú vị nhất trong ngày của con nào." Khoảng dừng ngắn này với sự chú ý trọn vẹn giúp con nhận thấy rằng suy nghĩ của chúng rất quan trọng với bạn.
Ngoài ra, hãy nhớ hỏi những điều mà con không thích. Nếu có bất kỳ điều gì lặp đi lặp lại trong câu trả lời của con, đó là một dấu hiệu cảnh báo. Bạn hãy đến trường để tìm hiểu thêm.
Hãy nhớ thực hành những mẹo đơn giản này để lắng nghe chủ động:
- Tạo ra "những khoảnh khắc lắng nghe" trong các hoạt động thường nhật như tắm hoặc mang giày
- Sử dụng các cụm từ như "Ba/mẹ nghe con nói rằng..." hoặc "Có vẻ như..." để thể hiện rằng bạn đang thực sự chú ý
- Chú ý và ghi nhận những dấu hiệu giao tiếp phi ngôn ngữ của con, như khoanh tay hay nhảy nhót vì phấn khích.
- Luôn xác nhận cảm xúc của con trước tiên.
Lắng nghe chủ động không cần bạn phải dành cả giờ đồng hồ. Đó là về chất lượng hơn số lượng, biến những khoảnh khắc quý giá đó trở nên có ý nghĩa. Khi con chia sẻ điều gì đó với bạn, con đang mở ra cánh cửa để bạn hiểu thêm về thế giới của chúng. Vì vậy, hãy tôn trọng con bằng cách lắng nghe bằng cả trái tim.
Đặt ra kỳ vọng rõ ràng và cung cấp hướng dẫn hiệu quả
Có bạn giờ bạn phải nói đi nói lại một việc nhiều lần và cảm thấy khó chịu khi con dường như không lắng nghe, không hiểu hoặc không thực hiện. Tôi chắc chắn thật sự bạn rất bực bội. Điều này xuất phát từ khoảng cách giữa kỳ vọng của chúng ta và sự hiểu biết của trẻ. Chúng ta thường truyền đạt hướng dẫn kèm theo hình dung rõ ràng về những gì chúng ta mong đợi, nhưng cách hiểu của trẻ không như thế.
Khi ba mẹ nói, "Hãy dọn dẹp phòng của con nào," chúng ta hình dung một không gian gọn gàng, nhưng trẻ có thể chỉ tập trung vào một khía cạnh nào đó, chẳng hạn như cất đồ chơi, và bỏ qua những công việc khác như dọn giường hoặc sắp xếp quần áo. Và điều đó giải thích tại sao việc giao tiếp rõ ràng là rất quan trọng để ba mẹ và trẻ hiểu nhau hơn.
Hãy tưởng tượng như bạn đang vẽ ra một cuốn sách trong tâm trí. Mỗi hướng dẫn nên giống như một trang sách, khi bạn lật trang, trang sách biểu hiện một hình ảnh rõ ràng. Hình ảnh đó cần đủ rõ ràng để trẻ có thể hiểu và thực hiện.
Bạn có thể thử những bước này khi đưa ra hướng dẫn cho con lần tới. Đầu tiên, hãy thu hút sự chú ý của trẻ. Khơi gợi sự giao tiếp bằng mắt bằng cách nhẹ nhàng bằng cách gọi tên con hoặc chạm vào vai con. Đừng hét to tên con khi bạn và con đang ở hai phòng khác nhau. Hãy đến gần con. Tiếp theo, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với độ tuổi của con trong những câu ngắn và chỉ đưa ra một hướng dẫn tại một thời điểm. Như thế, con có thời gian để hoàn thành mỗi nhiệm vụ trước khi chuyển sang nhiệm vụ tiếp theo. Ngoài ra, hãy hướng dẫn thật cụ thể và rõ ràng, và sử dụng ngôn ngữ tích cực. Bạn hãy nói "Con treo áo khoác của mình lên móc treo màu xanh nhé" thay vì nói "Cất đồ của con đi." Khi cần thiết, hãy bổ sung gợi ý bằng hình ảnh kèm theo hướng dẫn để giúp con hiểu rõ hơn. Bạn cũng có thể yêu cầu con lặp lại hướng dẫn bằng lời của mình để đảm bảo rằng con biết phải làm gì.
Hãy nhớ duy trì một tông giọng bình tĩnh và tự tin khi đưa ra hướng dẫn. Giọng nói của bạn nên thể hiện rằng bạn tin tưởng vào khả năng của con. Khi con hoàn thành nhiệm vụ, hãy ghi nhận nỗ lực của con bằng lời khen cụ thể, như "Con đã làm rất tốt khi tự treo áo khoác của mình!"
Bằng cách đặt ra những kỳ vọng rõ ràng và chia nhỏ hướng dẫn, bạn đang giúp trẻ phát triển kỹ năng lắng nghe và khả năng thực hiện theo hướng dẫn.
Giao tiếp phi ngôn ngữ
Bạn đã bao giờ nhận thấy gương mặt của con sáng bừng lên khi bạn mỉm cười với con từ xa chưa? Hay cách con ngay lập tức hiểu ánh mắt của bạn khi bạn nhướn mày mỗi khi con chuẩn bị làm điều gì đó không nên làm? Thực tế, bạn thường tập trung vào việc tìm kiếm những từ ngữ phù hợp, nhưng giao tiếp phi ngôn ngữ của bạn lại truyền tải rất nhiều thông điệp đến với con.
Ngôn ngữ cơ thể, gồm biểu cảm khuôn mặt gửi đi thông điệp mạnh mẽ có thể củng cố hoặc làm yếu đi việc giao tiếp bằng lời của bạn với con. Khi bạn đang vội chuẩn bị bữa tối, nhưng con muốn cho bạn xem bức tranh của mình, lời nói của bạn có thể là: "Ồ, bức tranh thật đẹp, con yêu," nhưng nếu ánh mắt của bạn vẫn dán vào nồi nấu, con sẽ nhận được một thông điệp hoàn toàn khác.
Hiểu và sử dụng một cách có ý thức các tín hiệu phi ngôn ngữ có thể biến đổi tương tác hàng ngày của bạn. Đây là những gì ngôn ngữ cơ thể của bạn có thể đang nói với con:
Các tín hiệu phi ngôn ngữ tích cực:
- Cúi xuống ngang tầm mắt của con: "Mẹ ở đây vì con, và mẹ đang hoàn toàn chú ý đến con"
- Hai tay mở và tư thế thoải mái: "Mẹ luôn sẵn sàng lắng nghe"
- Chạm nhẹ vào vai: "Mẹ hiểu và ủng hộ con"
- Nụ cười ấm áp kèm theo giao tiếp bằng mắt: "Mẹ thấy vui khi ở bên con"
- Gật đầu trong khi lắng nghe: "Mẹ đang dõi theo những gì con nói"
Các tín hiệu phi ngôn ngữ tiêu cực cần tránh:
- Khoanh tay: Có thể báo hiệu sự không đồng tình hoặc không muốn kết nối
- Nhìn vào điện thoại trong khi con nói: Gợi ý rằng lời nói của bé không quan trọng
- Đứng cao hơn tầm mắt của con: Có thể cảm thấy đáng sợ
- Giọng nói khắc nghiệt hoặc nói lớn: Có thể làm lu mờ những lời nói tích cực
- Biểu cảm khuôn mặt phân tâm: Truyền tải sự thiếu quan tâm
Hãy nhớ rằng, trẻ nhỏ rất nhạy cảm với các tín hiệu phi ngôn ngữ. Con có thể không hiểu được từ vựng phức tạp, nhưng con hoàn toàn có thể cảm nhận được ngôn ngữ cơ thể của bạn một cách bản năng. Khi các tín hiệu phi ngôn ngữ của bạn phù hợp với lời nói, bạn tạo ra một môi trường nhất quán và đáng tin cậy giúp con cảm thấy an toàn và được trân trọng. Chỉ cần một nụ cười chân thành hay một cái chạm nhẹ cũng có thể thu hẹp khoảng cách khi thời gian có hạn, cho con biết rằng con luôn được yêu thương và trân trọng.
Áp dụng sự lựa chọn trong giao tiếp để tăng cường hiệu quả
Khi trao cho con quyền lựa chọn, bạn đang trao cho con cơ hội để phát triển tính tự lập, và đây là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất trong việc nuôi dạy con. Khi con cảm thấy mình có tiếng nói trong các hoạt động hàng ngày, con sẽ có thể hợp tác hơn và phát triển sự tự tin khi ra quyết định. Phương pháp này giúp biến những căng thẳng tiềm ẩn thành cơ hội để phát triển và gắn kết.
Hãy cùng khám phá cách bạn có thể cung cấp sự lựa chọn hiệu quả. Thay vì đặt những câu hỏi mở có thể khiến trẻ choáng ngợp, hãy đưa ra hai lựa chọn rõ ràng. Ví dụ, thay vì hỏi: "Con muốn mặc gì hôm nay?", câu hỏi có thể dẫn đến những tranh luận vô tận hoặc những câu trả lời mà bạn không mong đợi, hãy thử: "Con muốn mặc áo len xanh hay áo đỏ nào?" Sự điều chỉnh đơn giản này giúp việc ra quyết định trở nên dễ dàng hơn cho con trong khi vẫn giữ được ranh giới của bạn.
Hãy thử một số chiến lược đã được kiểm nghiệm hiệu quả sau:
- Giới hạn số lượng lựa chọn: Cung cấp tối đa hai đến ba sự lựa chọn để tránh làm con choáng ngợp.
- Đưa ra những lựa chọn thực tế: Đảm bảo tất cả các lựa chọn đều chấp nhận được đối với bạn trong vai trò ba mẹ.
- Sử dụng cách diễn đạt tích cực: "Con muốn đánh răng ngay bây giờ hay sau khi đọc sách nào?" thay vì "Con có muốn đánh răng không?"
- Tôn trọng quyết định của con: Khi con đã chọn, hãy thực hiện theo để xây dựng lòng tin và sự tự tin ở con.
Hãy nhớ điều chỉnh cách tiếp cận của bạn theo độ tuổi của con. Đối với trẻ nhỏ, hãy đưa ra sự lựa chọn đơn giản và tức thời: "Con thích táo hay chuối nào?" Đối với trẻ mẫu giáo hoặc lớn hơn, bạn có thể giới thiệu những lựa chọn phức tạp hơn một chút: "Con muốn giúp ba/mẹ dọn bàn ngay bây giờ hay sau khi con vẽ xong nào?"
Bằng cách kết hợp sự lựa chọn vào giao tiếp hàng ngày, bạn không chỉ làm cho cuộc sống của mình dễ dàng hơn, mà còn giúp con phát triển kỹ năng ra quyết định thiết yếu. Cách tiếp cận này tạo ra một bầu không khí tích cực, nơi con cảm thấy được trân trọng và lắng nghe, ngay cả khi bạn bận rộn nhất.
Kết luận
Giao tiếp hiệu quả với con không cần bạn phải dành hàng giờ đồng hồ, mà chỉ cần những khoảnh khắc suy nghĩ kỹ lưỡng và những lựa chọn có chủ đích trong các tương tác hàng ngày. Với những chiến lược giao tiếp này, bạn có thể xây dựng và duy trì mối liên kết mạnh mẽ với con mà không phải thêm áp lực.
Dù bạn chọn tập trung vào việc diễn đạt lại những câu nói tiêu cực thành tích cực, hay thực hành lắng nghe chủ động, những điều chỉnh nhỏ này có thể dẫn đến những cải thiện đáng kể trong hành vi, sự tự tin và sức khỏe cảm xúc của con. Hãy nhớ rằng, giao tiếp tích cực và nhất quán giúp xây dựng nền tảng cho sự tin tưởng và thấu hiểu biết giữa bạn và con. Dù bạn chọn điều gì, chúng tôi rất muốn nghe về hành trình của bạn.
Hãy chia sẻ những trải nghiệm của bạn trong phần bình luận bên dưới. Chiến lược giao tiếp nào bạn dự định thử trước tiên? Những thay đổi nào bạn đã nhận thấy sau khi áp dụng những kỹ thuật này? Câu chuyện của bạn có thể truyền cảm hứng cho những bậc phụ huynh khác đang đối mặt với những thách thức tương tự. Bạn đang làm rất tốt, và những bước nhỏ trong việc cải thiện giao tiếp này sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong hành trình nuôi dạy con của bạn.
Để lại bình luận bên dưới