
Bài viết này được viết bởi Philip de Ath, Giám đốc vận hành tại Schoolisting.
Nguyễn Hà Thanh Thảo dịch sang tiếng Việt.
Mục lục |
Giới thiệu |
Cha mẹ làm gương và trí tuệ cảm xúc của trẻ |
Chiến lược hiệu quả cho cha mẹ: làm gương tự nhận thức |
Phần 2 |
Giới thiệu
Sự phát triển cảm xúc của trẻ không chỉ đơn giản là kết quả của những trải nghiệm trực tiếp, mà còn phản ánh chính những cảm xúc của bạn. Mỗi nụ cười, cái cau mày hay tiếng thở dài của bạn đều trở thành bài học vô cùng giá trị về trí tuệ cảm xúc cho con. Khi con quan sát phản ứng cảm xúc hàng ngày của bạn, nhận thức và hiểu biết về cảm xúc của riêng con cũng đang dần hình thành, giúp định hình cách trẻ xử lý cảm xúc và mối quan hệ suốt đời.
Hiểu và quản lý cảm xúc của chính mình không chỉ giúp bạn trở thành một bậc cha mẹ tốt hơn, mà còn là món quà vô giá về kỹ năng sống cho con. Khi bạn thể hiện sự thông minh cảm xúc lành mạnh, bạn đang giúp con phát triển những khả năng thiết yếu sẽ hữu ích cho con sau những năm tháng đầu đời, từ xây dựng tình bạn ý nghĩa đến đương đầu với những thách thức trong tương lai với sự kiên cường. Khả năng nhận thức cảm xúc của bạn hôm nay có thể ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng của con bạn trong việc hiểu và điều chỉnh cảm xúc của chúng ngày mai.
Bài viết này sẽ giới thiệu những chiến lược thực tế để bạn nhận diện các yếu tố kích động cảm xúc, vượt qua những khoảnh khắc khó khăn một cách hiệu quả và thể hiện sự đồng cảm theo cách mà trẻ có thể hiểu và học theo. Bạn sẽ khám phá cách biến những tương tác hàng ngày thành cơ hội học hỏi về cảm xúc, tìm hiểu cách nói để công nhận cảm xúc của trẻ và cách giữ bình tĩnh trong những tình huống thử thách. Những công cụ này sẽ giúp bạn tạo ra một môi trường chất lượng, nơi cả bạn và con có thể phát triển cảm xúc một cách lành mạnh.
Cha mẹ làm gương và trí tuệ cảm xúc của trẻ
Trẻ học qua quan sát như thế nào
Trẻ nhỏ rất hay bắt chước, chúng học mọi cử chỉ, lời nói và phản ứng cảm xúc của bố mẹ như những miếng bọt biển. Bạn có bao giờ để ý con mình bắt chước biểu cảm trên khuôn mặt của bạn, hoặc thậm chí lặp lại một câu nói mà bạn thường dùng không? Đây không chỉ là việc bắt chước đáng yêu, mà còn là cách cơ bản nhất để con học về cảm xúc. Khi con thấy bạn phản ứng với tình huống khó chịu bằng sự giận dữ, con học được rằng có thể giận dữ để người xung quanh biết con đang khó chịu. Ngược lại, nếu con thấy bạn đối mặt với sự thất vọng một cách bình tĩnh và giải quyết vấn đề, chúng cũng sẽ học cách ứng xử như vậy.
Nghiên cứu cho thấy trẻ em từ bốn tháng tuổi có thể phân biệt và phản ứng với những biểu hiện cảm xúc khác nhau. Phản ứng cảm xúc của bạn trong các hoạt động hàng ngày là cơ hội học hỏi cho trẻ. Khi bạn bình tĩnh cùng con giải một trò chơi ghép hình khó, bạn đang dạy con về sự kiên trì và kiểm soát cảm xúc. Khi bạn thể hiện sự hào hứng chân thật trước tác phẩm nghệ thuật của con, bạn đang làm gương về cách thể hiện sự biết ơn và niềm vui. Những tương tác tưởng chừng nhỏ bé này nhưng lại có ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển cảm xúc của con.
Ví dụ, tình huống con làm đổ nước trái cây. Nếu bạn bực bội và la hét, con sẽ liên kết việc làm đổ nước với những cảm xúc tiêu cực và có thể sẽ phản ứng tương tự trong tương lai. Điều quan trọng nhất là đừng khiến trẻ sợ mắc sai lầm vì lo bị la mắng hay sợ bạn tức giận. Hãy tạo cho trẻ cảm giác an toàn để học hỏi từ những sai sót. Khi bạn bình tĩnh phản hồi, an ủi và giúp con dọn dẹp, con sẽ học được bài học về sự kiên cường và biết giải quyết sự cố một cách tích cực. Con bạn thậm chí sẽ học cách tự dọn dẹp (thời gian dọn dẹp) một cách bình tĩnh khi gặp phải tình huống tương tự sau này.
Điều quan trọng nhất là sự nhất quán và chân thật trong biểu hiện cảm xúc của bạn. Khi bạn chú ý đến phản ứng cảm xúc của chính mình, bạn đang mang lại cho con những bài học quý giá để giúp con phát triển cảm xúc và các mối quan hệ xã hội trong nhiều năm tới.
Sự lây lan cảm xúc và tác động đến trẻ
Bạn có bao giờ để ý thấy tâm trạng của con giống như tấm gương phản chiếu tâm trạng của bạn không? Khi bạn căng thẳng, con cũng trở nên bồn chồn, và khi bạn bình tĩnh, cảm xúc của con cũng ổn định hơn. Hiện tượng thú vị này được gọi là sự lây lan cảm xúc (emotional contagion, một quá trình vô thức khi cảm xúc lan truyền một cách tự nhiên giữa cha mẹ và con cái, giống như khi một người ngáp, những người khác cũng sẽ ngáp theo vậy. Với trẻ, mối liên kết cảm xúc với cha mẹ đặc biệt mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển cảm xúc của chúng.
Hiểu về sự lây lan cảm xúc giúp chúng ta nhận ra tại sao trẻ lại nhạy cảm với trạng thái cảm xúc của ba mẹ như vậy. Khi bạn về nhà với nỗi lo lắng về công việc, con có thể đột ngột trở nên quấn quýt hoặc cáu kỉnh mà không hiểu tại sao. Điều này xảy ra là do trẻ vốn có thể nắm bắt các tín hiệu cảm xúc từ cha mẹ thông qua nét mặt, giọng nói và ngôn ngữ cơ thể. Đặc biệt với trẻ nhỏ từ 0-6 tuổi, sự phản chiếu cảm xúc này rất mãnh liệt vì hệ thống điều chỉnh cảm xúc của chúng vẫn đang phát triển. Trẻ phụ thuộc rất nhiều vào tín hiệu cảm xúc từ cha mẹ để hiểu và điều hướng thế giới xung quanh.
Khoa học đằng sau sự lây lan cảm xúc này rất đáng kinh ngạc. Sự kết nối cảm xúc này hoạt động trên cả hai cấp độ tâm lý và sinh lý. Khi bạn biểu lộ cảm xúc, não bộ của con sẽ kích hoạt các nơ ron phản chiếu, khiến con vô thức bắt chước trạng thái cảm xúc của bạn. Ví dụ, khi bạn mỉm cười chân thành với con, não bộ của con sẽ tự động kích hoạt các hoạt động thần kinh liên quan đến hạnh phúc, khiến trẻ mỉm cười lại (thực ra bạn đang làm cho bộ não của con phát triển vì nó tạo ra các kết nối thần kinh mới gọi là tính dẻo dai thần kinh, thật là thông minh phải không!). Quá trình này khác với sự bắt chước có ý thức, vì nó diễn ra ở một cấp độ sâu hơn, bản năng hơn. Về mặt sinh lý, sự lây lan cảm xúc cũng rất thú vị. Khi bạn trải qua căng thẳng, cơ thể bạn sẽ tiết ra hormone căng thẳng có thể ảnh hưởng đến con thông qua sự thay đổi trong cử chỉ, giọng nói và hành vi tổng thể. Nhịp tim nhanh, hơi thở gấp gáp hay cơ bắp căng cứng của bạn gửi đi tín hiệu mà cơ thể của con sẽ phản ứng theo một cách bản năng, thường dẫn đến các phản ứng tương tự.
Khái niệm này giúp bạn thêm hiểu rõ tầm quan trọng của việc quản lý cảm xúc của chính mình. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn phải kìm nén cảm xúc, mà hãy chú ý đến cách bạn thể hiện chúng và làm mẫu cách điều chỉnh cảm xúc một cách lành mạnh.
Lợi ích lâu dài khi cha mẹ làm mẫu về cảm xúc
Khi bạn luôn thể hiện trí tuệ cảm xúc lành mạnh, bạn đang xây dựng nền tảng vững chắc cho sức khỏe cảm xúc suốt đời của con. Nghiên cứu cho thấy cha mẹ và môi trường gia đình đóng vai trò là hình mẫu cho trẻ, có thể giúp trẻ phát huy khả năng nhận diện và điều chỉnh cảm xúc, hoặc ngược lại, cản trở quá trình này.
Một trong những lợi ích lớn nhất là giúp trẻ phát triển kỹ năng kiểm soát cảm xúc. Chẳng hạn, khi đứa con ba tuổi của bạn thấy bạn hít thở sâu trong lúc căng thẳng, con học được cách phản ứng hữu ích để có có thể áp dụng trong những tình huống thử thách của chính mình.
Trẻ được cha mẹ làm gương cảm xúc tích cực thường phát triển khả năng thấu cảm và nhận thức xã hội tốt hơn. Trẻ nhạy cảm hơn với cảm xúc của người khác và phát triển kỹ năng kết bạn tốt hơn. Lợi ích cũng tác động đến kết quả học tập của trẻ. Nghiên cứu cho thấy khả năng điều chỉnh cảm xúc ở trẻ liên quan mật thiết đến mức độ sẵn sàng trong học tập và thành tích học tập của trẻ.
Hơn nữa, trẻ cũng phát triển lòng tự trọng mạnh mẽ và xây dựng hình ảnh bản thân tích cực hơn. Khi cha mẹ làm gương trong việc chấp nhận bản thân và trung thực với cảm xúc, trẻ học cách đón nhận (và chia sẻ) cảm xúc của mình mà không cảm thấy xấu hổ hay sợ bị phán xét. Sự chấp nhận này đặc biệt quan trọng trong những năm đầu đời khi trẻ đang hình thành những niềm tin cơ bản (bản sắc) về bản thân và khả năng của mình.
Có lẽ điều quan trọng nhất là làm gương hiện cảm xúc giúp xây dựng sự gắn kết bền chặt giữa cha mẹ và con cái. Nền tảng vững chắc này giúp trẻ tự tin khám phá thế giới khi biết rằng bản thân luôn có một bến đỗ bình yên để trở về.
Những lợi ích này tạo thành một vòng tròn tích cực, lan tỏa đến thế hệ tiếp theo (cháu của bạn). Trẻ được cha mẹ làm gương cảm xúc tích cực thường trở thành những bậc cha mẹ giàu trí tuệ cảm xúc, tạo nên di sản về sức khỏe cảm xúc bền vững cho các thế hệ tương lai.
Chiến lược hiệu quả cho cha mẹ: làm gương tự nhận thức
Nhận biết cảm xúc của chính bạn
Hiểu được những phản ứng cảm xúc của bản thân khi làm cha mẹ cũng giống như bạn đang có trong tay một bản đồ hướng dẫn để nuôi dạy con tốt hơn. Khi bạn nhận thức được những yếu tố kích thích cảm xúc của mình, bạn sẽ dễ dàng phản ứng cẩn trọng và thấu đáo với nhu cầu của con, thay vì phản ứng vội vã.
Hãy thử nhớ lại lần gần nhất khi con quấy khóc ở siêu thị. Bạn có cảm thấy xấu hổ, bực bội, hoặc áp lực không? Những cảm xúc này hoàn toàn bình thường, nhưng nhận ra chúng là bước đầu tiên để bạn quản lý chúng hiệu quả. Khi hiểu được những yếu tố kích hoạt cảm xúc, bạn có thể tự chuẩn bị cho mình để sẵn sàng đối mặt với những tình huống khó khăn và có phản ứng phù hợp theo hướng có lợi cho cả bạn và con.
Bạn có thể tham khảo hướng dẫn dưới đây để điểm qua những yếu tố kích thích cảm xúc và cách phản ứng lành mạnh:
Tình huống | Yếu tố kích thích | Cách phản ứng |
Trẻ ăn vạ nơi công cộng | Bị người khác đánh giá | Hãy nhớ rằng hầu hết các bậc phụ huynh đều đã trải qua điều này, hít thở sâu, và tập trung vào nhu cầu của con thay vì phản ứng của người xung quanh. |
Yêu cầu lặp đi lặp lại | Cảm thấy quá tải bởi những yêu cầu liên tục | Đặt ra ranh giới rõ ràng, thiết lập lịch trình đối với những yêu cầu, và tạm dừng để nghỉ ngơi khi có thể. |
Sự vội vã vào buổi sáng | Áp lực thời gian và sự hỗn loạn | Chuẩn bị từ tối hôm trước, thức dậy sớm hơn và tạo thời gian biểu trực quan cho con - không bao giờ khiến con vội vã. |
Kháng cự giờ đi ngủ | Mệt mỏi và bực bội | Bắt đầu lịch trình đi ngủ sớm hơn, duy trì tính nhất quán và cùng nhau thực hành các bài tập thư giãn, nhớ không sử dụng màn hình! |
Xung đột giữa anh chị em | Cảm thấy bất lực hoặc tức giận | Thiết lập quy tắc gia đình rõ ràng, dạy kỹ năng giải quyết xung đột và giữ thái độ trung lập khi hòa giải. |
Để áp dụng những cách này, hãy bắt đầu viết "nhật ký cảm xúc" trong một tuần, hoặc tốt hơn nữa, lâu hơn. Lưu ý những tình huống nào liên tục kích thích cảm xúc mạnh và những cảm xúc này ảnh hưởng như thế nào đến sự tương tác của bạn với con. Ví dụ, nếu bạn thấy mình trở nên cáu kỉnh đặc biệt vào giờ đi ngủ, bạn có thể phát hiện ra là do sự mệt mỏi của chính bạn hơn là vì hành vi của con.
Nhận thức cảm xúc của bản thân là về việc thừa nhận chúng và lựa chọn cách phản ứng. Khi bạn cảm thấy quá tải, hãy thử những việc đơn giản này: dừng lại, gọi tên cảm xúc (tôi đang cảm thấy bực bội), xác định yếu tố kích thích (con tôi không nghe lời), và chọn cách phản ứng (tôi cần hít thở sâu ba lần trước khi nói).
Diễn đạt cảm xúc của bạn
Ba mẹ thể hiện cảm xúc lành mạnh mang đến môi trường chất lượng để trẻ học hỏi. Khi bạn chia sẻ cảm xúc của mình một cách cởi mở bằng ngôn ngữ phù hợp với trẻ, bạn giúp con phát triển vốn từ vựng và sự hiểu biết về cảm xúc.
Trước hết, hãy bắt đầu sử dụng từ ngữ đơn giản, rõ ràng để mô tả cảm xúc của bạn. Thay vì nói "Mẹ không sao" khi bạn đang thực sự cảm thấy bực bội, hãy thử nói, "Mẹ đang thấy bực bội vì mẹ không tìm thấy chìa khóa đâu cả." Sự thể hiện chân thành này giúp con hiểu rằng tất cả cảm xúc đều bình thường và được chấp nhận. Khi đối mặt với những tình huống khó khăn, hãy sử dụng các câu "Tôi cảm thấy" để thể hiện cảm xúc của bạn mà không kèm sắc thái đổ lỗi. Ví dụ, thay vì nói "Con đang làm mẹ tức giận", hãy thử "Mẹ cảm thấy bực bội khi đồ chơi vương vãi khắp sàn nhà vì ai đó có thể bị vấp ngã và bị thương.
Dưới đây là một số ví dụ về cách thể hiện cảm xúc phù hợp với lứa tuổi:
Đối với trẻ tập đi (1-3 tuổi):
- "Mẹ vui khi được chơi cùng con."
- "Mẹ buồn vì mẹ bị va vào ngón chân."
- "Mẹ rất phấn khởi khi được đi công viên cùng con."
Đối với trẻ mẫu giáo (3-6 tuổi):
- "Mẹ cảm thấy thất vọng vì buổi chơi đã bị hủy, nhưng chúng ta có thể đi vào tuần sau."
- "Mẹ tự hào về con vì con đã dọn đồ chơi rất chăm chỉ."
- "Mẹ cảm thấy quá tải khi phải làm tất cả những việc này, nhưng hít thở sâu giúp mẹ bình tĩnh lại."
Hãy nhớ công nhận cả những cảm xúc tích cực. Chia sẻ niềm vui, sự phấn khởi và lòng biết ơn một cách cởi mở:
- "Mẹ rất vui khi được đọc truyện cùng con."
- "Mẹ cảm ơn con đã giúp mẹ chuẩn bị bàn ăn."
- "Mẹ rất phấn khởi khi thấy con đã học được nhiều điều ở trường mẫu giáo hôm nay."
Nền tảng về nhận thức cảm xúc này sẽ giúp ích cho sự phát triển và các mối quan hệ tương lai của con.
(Còn tiếp)
Để lại bình luận bên dưới