
Bài viết này được viết bởi Philip de Ath, Giám đốc vận hành tại Schoolisting.
Nguyễn Hà Thanh Thảo dịch sang tiếng Việt.
Mục lục |
Phần 1 |
Chiến lược hiệu quả cho cha mẹ: làm gương tự điều chỉnh cảm xúc |
Chiến lược hiệu quả cho cha mẹ: làm gương về sự cảm thông |
Kết luận |
Chiến lược hiệu quả cho cha mẹ: làm gương tự điều chỉnh cảm xúc
Quản lý sự bộc phát cảm xúc
Hãy nhớ lại những khoảnh khắc mà cảm xúc của bạn sắp vỡ òa. Có lẽ con vừa tạo nên một "tác phẩm nghệ thuật" trên bức tường mới sơn của bạn, hoặc con đang trải qua lần bùng nổ cảm xúc thứ ba chỉ trong một buổi sáng. Những tình huống này có thể thử thách khả năng giữ bình tĩnh của những bậc cha mẹ dù kiên nhẫn nhất.
Hiểu và quản lý những cơn bùng nổ cảm xúc của bạn là điều vô cùng quan trọng, điều này không chỉ giúp bạn an tâm hơn mà còn hỗ trợ cho sự phát triển cảm xúc của con. Khi bạn quản lý những cảm xúc mạnh mẽ một cách lành mạnh, bạn đang dạy cho con mình những bài học cuộc sống quý giá về điều chỉnh cảm xúc. Hãy thử áp dụng những chiến lược này khi bạn sắp bùng nổ lần tới.
- Hít thở sâu: Khi bạn cảm thấy quá tải, hãy hít thở sâu ba lần, đếm đến bốn khi hít vào và tám khi thở ra. Hãy biến nó thành một trò chơi bằng cách giả vờ bạn đang thổi bóng bay hoặc làm nguội món súp nóng. Con sẽ thấy tò mò và có thể tham gia cùng bạn, biến nó thành một hoạt động thư giãn chung.
- Tạo một Góc Bình tĩnh: Đặt riêng một không gian trong nhà để giúp bạn có thời gian để lấy lại bình tĩnh. Đặt vào góc này những vật dụng mang lại cảm giác thoải mái như một chiếc gối mềm hoặc một quả bóng giảm căng thẳng. Khi bạn cảm thấy quá tải, hãy nói với con, "Mẹ/Bố cần một chút thời gian để bình tĩnh lại. Mẹ/Bố sẽ ngồi trong góc đặc biệt của mình một vài phút." Điều này không chỉ giúp bạn điều chỉnh cảm xúc của mình mà còn thể hiện cho con thấy rằng việc thư giãn khi cảm thấy quá tải là một hoạt động bình thường và lành mạnh.
- Nghỉ ngơi 5 phút: Khi bạn nhận thấy cảm xúc của mình dâng trào, hãy nhớ đến sức mạnh của việc tạm dừng 5 phút. Kỹ thuật đơn giản nhưng hiệu quả này giúp bạn trở lại tình huống với tâm trí rõ ràng hơn. Ví dụ, khi con từ chối mặc quần áo để đi học, thay vì lớn tiếng, bạn có thể nói, "Mẹ/Bố đang cảm thấy bực bội. Mẹ/Bố sẽ dành năm phút để bình tĩnh lại, sau đó chúng ta sẽ cùng thử lại nhé."
- Nói chuyện tích cực với bản thân: Thay thế những suy nghĩ tiêu cực bằng những suy nghĩ tích cực và tập trung vào giải pháp. Thay vì "Tôi không thể chịu đựng được nữa", hãy thử "Điều này thật khó khăn, nhưng tôi có thể vượt qua từng bước một." Diễn đạt những suy nghĩ này thành lời để con có thể nghe thấy cách bạn tự động viên mình vượt qua những khoảnh khắc khó khăn.
Với những cách thức này, bạn đang thể hiện cách quản lý cảm xúc mạnh mẽ một cách lành mạnh, giúp con phát triển bộ công cụ điều chỉnh cảm xúc riêng của mình.
Phản hồi và phản ứng
Phản hồi và phản ứng trước hành vi của con mang ý nghĩa hoàn toàn khác nhau, hiểu được điều này có thể giúp thay đổi hành trình làm cha mẹ của bạn. Hãy tưởng tượng bạn đang ở siêu thị và đứa con 4 tuổi của bạn bất ngờ nổi cơn càu nhàu vì bạn không mua kẹo. Phản ứng ngay lập tức của bạn có thể là lớn tiếng trách mắng hoặc nhượng bộ để tránh sự lúng túng. Tuy nhiên, đây thường là những hành động xuất phát từ cảm xúc nhất thời, hơn là sự suy nghĩ cẩn trọng.
Khi phản ứng, bạn thường hành động một cách bản năng, để cảm xúc chi phối mà không cân nhắc đến những hậu quả lâu dài đối với con. Trái lại, phản hồi cần bạn dành thời gian để bình tĩnh xử lý tình huống, hiểu được góc nhìn của con và lựa chọn cách tiếp cận mang tính xây dựng, phù hợp với mục tiêu dài hạn trong việc nuôi dạy trẻ.
Hãy xem bảng so sánh dưới đây để hiểu sự khác nhau giữa phản hồi và phản ứng:
Tình huống | Phản ứng | Phản hồi |
Bé không chịu đi giày khi sắp trễ | "Con đi giày vào nhanh đi, không thì chúng ta sẽ trễ mất!" | "Con đang chơi vui nhỉ? Nhưng bây giờ chúng ta cần phải đi rồi. Con muốn đi giày xanh hay giày đỏ nào?" |
Bé làm đổ sữa | "Mẹ đã bảo cẩn thận rồi mà! Nhìn này, bẩn hết cả rồi!" | "Ồ, chuyện không hay xảy ra rồi. Chúng ta cùng dọn dẹp nào và lần sau cẩn thận hơn nhé." |
Bé đánh anh/chị/em | Phạt ngay lập tức | "Mẹ thấy con đang giận lắm. Nhưng đánh người rất đau. Chúng ta cùng tìm cách khác để nói với chị/em xem con cảm thấy thế nào nhé." |
Bé gặp khó khăn với bài tập | "Sao con không hiểu được vậy? Mẹ đã giảng bao nhiêu lần rồi!" | "Bài này khó quá nhỉ? Chúng ta nghỉ một chút rồi thử cách khác nhé." |
Để chuyển từ phản ứng sang phản hồi, phương pháp PAUSE là một trợ giúp hữu ích.
P - Dừng lại trước khi hành động (Pause before taking action).
A - Nhận thức cảm xúc của bạn (Acknowledge your emotions).
U - Thấu hiểu quan điểm của con (Understand your child's perspective).
S - Chọn cách hồi đáp phù hợp (Select an appropriate response).
E - Giao tiếp một cách đồng cảm (Engage with empathy).
Phản hồi có nghĩa là đưa ra những lựa chọn có ý thức trong việc xử lý các tình huống khó khăn. Khi bạn kiên trì thực hành, con sẽ dần trở nên hợp tác hơn và phát triển các kỹ năng điều chỉnh cảm xúc một cách hiệu quả hơn.
Hãy dưa ra phản hồi phù hợp đối với cảm xúc của con.
Chiến lược hiệu quả cho cha mẹ: làm gương về sự cảm thông
Lắng nghe tích cực và xác thực thông tin
Lắng nghe tích cực không chỉ dừng lại ở việc nghe những lời nói của con, mà còn đòi hỏi sự hiện diện trọn vẹn và khả năng cảm nhận cảm xúc ẩn sau những hành động hay biểu hiện của con. Khi đứa con ba tuổi của bạn buồn bã vì tòa tháp xếp hình bị đổ, điều đó có thể không đáng kể với bạn nhưng với con, đó là nỗi thất vọng và bực bội lớn. Thông qua lắng nghe tích cực, bạn tạo ra một không gian an toàn, nơi con cảm nhận được rằng cảm xúc của mình được lắng nghe và thấu hiểu.
Để lắng nghe tích cực, hãy bắt đầu bằng việc hạ thấp người xuống ngang tầm mắt của con khi con nói chuyện với bạn. Hành động đơn giản này cho con thấy rằng chúng có toàn bộ sự chú ý của bạn. Khi con chia sẻ suy nghĩ hoặc mối quan tâm của mình, hãy phản hồi bằng những cụm từ khuyến khích như "Ba/Mẹ hiểu rồi," hoặc "Kể thêm cho ba/mẹ nghe về …." Những lời nhắc nhẹ nhàng này cho thấy bạn đang tham gia và quan tâm đến những gì con đang nói.
Sự xác nhận cũng rất quan trọng trong việc xây dựng trí tuệ cảm xúc cho con. Khi đứa con bốn tuổi của bạn khóc vì không thể mặc chiếc áo len yêu thích vì nó đang được giặt, thay vì nói "Đừng khóc, chỉ là quần áo thôi," hãy thừa nhận cảm xúc của con: "Ba/Mẹ biết con rất thất vọng. Con rất thích mặc chiếc áo len đó phải không?" Câu trả lời này cho con thấy rằng cảm xúc của con quan trọng, ngay cả khi bạn không thể thay đổi tình huống.
Sự xác nhận không có nghĩa là bạn luôn đồng ý với hành vi của con hoặc nhượng bộ yêu cầu của trẻ. Thay vào đó, đó là việc thừa nhận cảm xúc của con. Khi đứa con sáu tuổi của bạn tức giận vì không thể ăn đồ ngọt trước bữa tối, bạn có thể nói: "Ba/Mẹ hiểu con rất muốn ăn đồ ngọt ngay bây giờ và con không hề muốn phải chờ đợi. Ba/Mẹ hiểu con đang rất bực bội, nhưng chúng ta vẫn cần ăn tối trước."
Thể hiện lòng cảm thông và sự thấu hiểu
Việc thể hiện sự cảm thông và thấu hiểu chân thành đối với những khó khăn của con giúp tạo ra sự tin tưởng và an toàn về mặt cảm xúc sẽ tồn tại suốt đời. Khi con gặp phải những thách thức, cho dù đó là việc buộc dây giày khó nhằn hay nỗi lo lắng khi xa mẹ ở nhà trẻ, phản ứng đầy cảm thông của bạn sẽ trở thành tiếng nói nội tâm đầy an ủi và giúp con trở nên kiên cường hơn.
Khi cô con gái 4 tuổi của bạn trở nên kích động khi đang chơi cùng bạn bè, thay vì gạt nước mắt của con bằng câu nói "Không có gì phải khóc cả," hãy nói đơn giản rằng, "Ba/Mẹ thấy con đang rất buồn vì phải chia sẻ đồ chơi yêu thích của mình. Điều đó chắc hẳn rất khó khăn với con." Hành động đơn giản này của sự thấu hiểu giúp con cảm thấy được lắng nghe và được hỗ trợ, từ đó con điều chỉnh cảm xúc tốt hơn trong các tình huống xã hội trong tương lai.
Dưới đây là những cụm từ mà bạn có thể sử dụng để thể hiện sự đồng cảm và thấu hiểu:
Đối với cảm xúc khó khăn:
- "Mẹ hiểu là con đang cảm thấy rất buồn và sợ hãi."
- "Con giận là chuyện bình thường, nhưng chúng ta hãy tìm cách thể hiện sự giận dữ một cách nhẹ nhàng nhé."
- "Mẹ ở đây cùng con khi con đang buồn."
Đối với tình huống thách thức:
- "Việc này có hơi khó, nhưng chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết."
- "Con có muốn ôm mẹ một cái trong khi chúng ta nói về chuyện vừa xảy ra không?"
- "Mẹ cũng từng cảm thấy như vậy khi mẹ còn nhỏ."
Để khuyến khích sự kiên cường:
- "Mắc lỗi là chuyện bình thường, đó là cách để chúng ta học hỏi."
- "Mẹ thấy con đang cố gắng rất nhiều."
- "Chúng ta hãy hít thở sâu và thử lại nhé."
Hãy nhớ kết hợp giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể với lời nói của bạn. Quỳ xuống ngang tầm mắt của con bạn, chạm nhẹ vào con khi thích hợp và duy trì giọng nói bình tĩnh. Những tín hiệu phi ngôn ngữ này giúp củng cố thông điệp bằng lời nói về sự thấu hiểu của bạn và giúp con cảm thấy thực sự được trân trọng.
Khi thể hiện sự cảm thông, thời điểm cũng quan trọng như lời nói. Đôi khi, con có thể cần một khoảng thời gian yên tĩnh trước khi sẵn sàng thảo luận về cảm xúc của mình. Tạo ra một không gian an toàn bằng cách đơn giản là hiện diện cạnh con, mang lại sự thoải mái thông qua sự gần gũi của bạn và chờ đợi tín hiệu sẵn sàng chia sẻ từ trẻ.
Bạn chính là "kim chỉ nam" giúp trẻ vẽ nên bức tranh cảm xúc của riêng con.
Kết luận
Hành trình làm cha mẹ của bạn giúp định hình bức tranh cảm xúc của con sâu sắc hơn bạn nghĩ. Trong suốt bài viết này, chúng ta đã khám phá cách trí tuệ cảm xúc của bạn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của con, từ cách trẻ xử lý cảm xúc đến cách trẻ đối phó với những tình huống khó khăn. Mỗi lần tương tác đều là một khoảnh khắc giáo dục con, và việc bạn liên tục biểu đạt cảm xúc lành mạnh tạo ra nền tảng cho sức khỏe cảm xúc suốt đời của con.
Với những chiến lược này, bạn có thể tạo ra một môi trường nuôi dưỡng nơi con bạn cảm thấy an toàn để thể hiện và hiểu được cảm xúc của mình. Hãy bắt đầu nhỏ bằng cách chọn một phương pháp phù hợp với bạn, sau đó dần dần chuyển đổi thành những thói quen lớn cho cả bạn và con.
Để lại bình luận bên dưới