www.schoolisting.vn - Schoolisting
Đã đăng 12/02/2025 trong Sức khỏe của con

Thời gian sử dụng thiết bị điện tử cho trẻ: Bao lâu là đủ? (Phần 1)


Thời gian sử dụng thiết bị điện tử cho trẻ: Bao lâu là đủ? (Phần 1)

Bài viết này được viết bởi Philip de Ath, Giám đốc vận hành tại Schoolisting.

Nguyễn Hà Thanh Thảo dịch sang tiếng Việt.

Mục lục
Giới thiệu
Thời gian sử dụng màn hình đối với trẻ là gì?
Vậy sử dụng màn hình trong bao lâu thì tốt cho con tôi?
Khuyến nghị về thời gian sử dụng màn hình cho trẻ 0-2 tuổi


Giới thiệu

Là cha mẹ, bạn hẳn đã không ít lần thấy con luôn dán mắt vào màn hình điện thoại hay ti vi. Màu sắc rực rỡ, âm thanh sống động và các yếu tố tương tác của những thiết bị này luôn có sức thu hút to lớn đối với trẻ hơn bất cứ thứ gì khác. Nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi về ảnh hưởng của “niềm đam mê” này đến sự phát triển của con chưa? Đây là một câu hỏi vẫn luôn “nóng hổi” trong thế giới công nghệ đi đầu hiện nay dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là bạn.

Khi nói đến thời gian sử dụng màn hình, bạn sẽ thường gặp những câu hỏi như, "Bao nhiêu thời gian trên màn hình là quá nhiều?" hoặc "Nội dung nào phù hợp với độ tuổi và giai đoạn phát triển của con tôi?" Chúng tôi hiểu những băn khoăn của bạn. May mắn thay, bạn không đơn độc, và có rất nhiều hướng dẫn được đưa ra dựa trên bằng chứng cụ thể giúp bạn có thể đưa ra quyết định tốt hơn về thời gian sử dụng màn hình của con.

Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn hướng dẫn về thời gian sử dụng màn hình phù hợp theo độ tuổi để bạn có thể duy trì sự cân bằng giữa việc tiếp thu công nghệ và sự phát triển toàn diện của con. Chúng tôi sẽ chia sẻ những khuyến nghị từ các chuyên gia dành cho các nhóm tuổi, từ trẻ sơ sinh đến tuổi đi học, và đưa ra những chiếc lược thực tế để áp dụng chúng. Khi hiểu rõ những khía cạnh xoay quanh việc sử dụng màn hình và tác động tương ứng, bạn sẽ trang bị tốt hơn cho mình để mở ra môi trường sinh hoạt tận dụng sự hỗ trợ của công nghệ giúp con phát triển vững vàng hơn.

Thời gian sử dụng màn hình đối với trẻ là gì?

Thời gian sử dụng màn hình là một chủ đề được thảo luận sôi nổi tại nhiều hội nhóm và khiến chúng ta phải tự hỏi về những lựa chọn của mình. Nhưng thực sự, khi nói về thời gian sử dụng màn hình, chúng ta đang nói đến điều gì?

Định nghĩa về thời gian sử dụng màn hình

Thời gian sử dụng màn hình bao gồm mọi hoạt động khi trẻ nhìn vào màn hình, có thể là ti vi, máy tính bảng, điện thoại thông minh hoặc máy tính. Đó không phải chỉ là những lúc con xem hoạt hình, mà còn bao gồm cả khi con sử dụng những ứng dụng học tập, gọi điện thoại qua video với ông bà, hay thậm chí những lúc con đang rất hứng thú với màn hình khóa trên điện thoại của bạn.

Để hiểu rõ hơn về chủ đề này và xóa bỏ những quan niệm sai lầm phổ biến, chúng ta hãy cùng tham khảo bảng tổng hợp sau đây.

Hiểu lầm
Sự thật
Tất cả thời gian sử dụng màn hình đều có hạiThời gian sử dụng màn hình phù hợp theo độ tuổi và được ba mẹ hướng dẫn sẽ mang lại giá trị về mặt giáo dục và có lợi cho trẻ. 
Thời gian sử dụng màn hình có nghĩa là chỉ xem thụ độngCác ứng dụng và trò chơi tương tác thu hút trẻ tham gia chủ động.
Trẻ sơ sinh xem màn hình một chút không saoChuyên gia khuyến cáo không cho trẻ dưới 24 tháng xem màn hình.
Video giáo dục luôn có lợiDù là nội dung giáo dục, ba mẹ cũng nên giới hạn và đưa ra hướng dẫn cho trẻ.


Phân biệt giữa thời gian sử dụng màn hình chủ động và thụ động

Hãy tưởng tượng 2 hoạt động, con đang vẽ trên máy tính bảng bằng cách di chuyển ngón tay và con đang lơ đễnh xem những đoạn quảng cáo giữa các tập phim hoạt hình. Hai hoạt động này đều được gọi chung là thời gian sử dụng màn hình, nhưng có sự khác biệt, ở mức độ chủ động và thụ động khi sử dụng.

Thời gian sử dụng màn hình chủ động thường gắn với những hoạt động tương tác, mang tính giáo dục kích thích tư duy của trẻ. Đó có thể là giải câu đố, học từ mới hoặc thậm chí cùng nhau làm theo một hướng dẫn nấu ăn đơn giản. Hình thức sử dụng màn hình này, khi áp dụng phù hợp, có thể hỗ trợ sự phát triển về nhận thức, từ vựng, phối hợp tay mắt và kỹ năng giải quyết vấn đề.

Ngược lại, thời gian sử dụng màn hình thụ động thiên về việc tiêu thụ nội dung mà không có tương tác. Hãy tưởng tượng con đang ngồi thẫn thờ trước bộ phim hoạt hình, hoặc lướt qua các video mà không thực sự tương tác gì. Dù không phải tất cả hình thức sử dụng màn hình thụ động đều không tốt, nhưng lợi ích đối với sự phát triển của trẻ mà hình thức này mang lại không thể so với thời gian sử dụng màn hình chủ động mang lại.

Tác động của những hình thức sử dụng màn hình có sự khác nhau đáng kể. Thời gian sử dụng màn hình chủ động, khi áp dụng phù hợp với độ tuổi và được hướng dẫn, có thể nâng cao khả năng học tập, trí tưởng tượng và tính sáng tạo. Cũng giống như tập thể dục rèn luyện cơ bắp, thời gian sử dụng màn hình chủ động giúp hình thành các kết nối thần kinh mới, tăng cường những kết nối hiện tại và thúc đẩy sự tò mò. Ngược lại, thời gian sử dụng màn hình thụ động có thể tác động tiêu cực đến khả năng tập trung và thường làm chậm sự phát triển ngữ của trẻ.


89be0afb c6a7 437b ba48 b92410e10de1Trẻ ở mọi lứa tuổi đều rất hứng thú với những yếu tố nghe, nhìn sống động trên các thiết bị điện tử.


Vậy sử dụng màn hình trong bao lâu thì tốt cho con tôi?

Có lẽ bạn đang tự hỏi: "Vì sao không thể áp dụng một quy tắc chung về thời gian dùng thiết bị cho tất cả?" À thì, cũng như bạn không thể hy vọng đứa trẻ một tuổi có thể đi xe đạp, bạn cũng không thể mong đợi trẻ mọi lứa tuổi sẽ sử dụng màn hình giống nhau.

Với trẻ nhỏ, hai năm đầu đời là khoảng thời gian vô cùng quý giá bởi đó là khi sự phát triển diễn ra thần tốc. Bộ não của con lúc này giống như một miếng bọt biển, tiếp thu hết mọi thứ xung quanh. Trong khoảng thời gian này, không gì có thể thay thế những tương tác trực tiếp và thực tế. Khi trẻ chạm vào một món đồ chơi mềm, nghe giọng của bạn đang đọc sách, hoặc nhìn theo những chiếc lá bay trong gió, trẻ đang có những trải nghiệm vô cùng quý giá mà không thiết bị điện tử nào có thể mang lại.

Khi trẻ lớn lên, khả năng hiểu và tương tác với nội dung số của trẻ cũng phát triển. Một ứng dụng kể chuyện tương tác có thể đem lại lợi ích cho một trẻ 4 tuổi, nhưng lại quá phức tạp và thiếu gắn kết đối với một trẻ 2 tuổi. Những hướng dẫn phù hợp theo độ tuổi sẽ giúp bạn xác định những sự khác biệt này để đưa ra lựa chọn phù hợp. Dù nói vậy, nhưng có một số trẻ 2 tuổi khá nhanh nhẹn và phát triển nên có thể tiếp nhận mức độ kích thích trí não cao hơn, trong khi một số trẻ 4 tuổi lại có tư duy như trẻ 2 tuổi. Mỗi trẻ là khác nhau, nên bạn đừng lặp sai lầm khi áp dụng cùng một cách cho mọi trẻ!

Hơn nữa, những hướng dẫn này không chỉ là những quy tắc được nêu tùy ý. Chúng được xây dựng dựa trên nghiên cứu chuyên sâu và lời khuyên của chuyên gia. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc quá nhiều với màn hình ở giai đoạn đầu đời có thể liên quan đến việc chậm phát triển ngôn ngữ, giảm khả năng tập trung và thậm chí khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc.

Một nghiên cứu gần đây trên JAMA Pediatrics cho thấy trẻ từ 24 đến 36 tháng tuổi có thời gian sử dụng màn hình dài đạt kết quả kém hơn trong các bài kiểm tra đánh giá sự phát triển thực hiện vào lúc 36 tháng tuổi. Kết quả này không có nghĩa tất cả thời gian sử dụng màn hình đều có hại, nhưng nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hướng dẫn và sử dụng phù hợp theo độ tuổi.

Với những hướng dẫn theo độ tuổi này, bạn đang ưu tiên những hoạt động quan trọng đối với sự phát triển của con. Bạn bảo đảm rằng con có đủ thời gian để chơi ngoài trời, tương tác trực tiếp, khi con đang khám phá thế giới xung quanh. Hãy nhớ rằng, những hướng dẫn này có thể giúp bạn ra quyết định tốt hơn. Mỗi gia đình có một hoàn cảnh riêng nên hãy điều chỉnh hướng dẫn này phù hợp với điều kiện của bạn. Điều quan trọng là hãy để tâm và chú ý đến việc kết hợp thiết bị điện tử trong sinh hoạt hằng ngày của con..

Trước khi chúng ta tiếp tục thảo luận, hãy dành chút thời gian để xem xét lại thói quen sử dụng màn hình hiện tại của gia đình bạn. Nó có phù hợp với giai đoạn phát triển của con không? Có điều nào bạn muốn điều chỉnh không?

Khuyến nghị về thời gian sử dụng màn hình cho trẻ 0-2 tuổi

Là cha mẹ của trẻ ở độ tuổi này, bạn hẳn đã từng trải qua không ít “lần đầu tiên" như nụ cười đầu tiên, những bước chân đầu tiên, và có lẽ cả lần đầu tiên tiếp xúc với màn hình. Đây cũng là khoảng thời gian của sự phát triển nhanh chóng, khi mọi trải nghiệm đều giúp hỗ trợ sự phát triển của trẻ. Nhưng nếu nhắc đến thời gian sử dụng màn hình đối với trẻ ở độ tuổi này, hãy nhớ càng ít càng tốt! Thực tế, các chuyên gia khuyến cáo tốt nhất là không cho trẻ dưới 2 tuổi tiếp xúc với các loại thiết bị điện tử.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra quan điểm rất rõ ràng về việc này. Khuyến cáo của họ rất cụ thể: không cho trẻ dưới 2 tuổi tiếp xúc với bất kỳ thiết bị điện tử nào. Nhưng tại sao lại có khuyến cáo nghiêm ngặt đến vậy? Câu trả lời nằm ở hành trình phát triển đáng kinh ngạc mà con đã, đang hoặc sẽ trải qua trong những năm đầu đời này.

Tại sao không cho trẻ dưới 2 tuổi sử dụng thiết bị điện tử?

Hãy hình dung bộ não của con như một công trường xây dựng nhộn nhịp. Trong hai năm đầu tiên này, hàng tỷ kết nối thần kinh đang được hình thành trong não bộ của con với tốc độ đáng kinh ngạc. Những kết nối này là nền tảng cho việc học tập trong tương lai của con, và chúng được hình thành thông qua những trải nghiệm thực tế, những tiếp xúc của đôi tay, lắng nghe giọng nói của bạn, ngắm nhìn hình ảnh món đồ chơi đầy màu sắc hoặc thưởng thức hương vị của một món ăn mới. Màn hình điện tử, dù được quảng bá có mang tính giáo dục đến đâu, cũng đơn giản là không thể tái tạo sự phong phú của cuộc sống thực, của những trải nghiệm đa giác quan. Điều tuyệt vời hơn nữa ở đây dành cho bạn với tư cách là cha mẹ là sẽ có thêm rất nhiều sự gắn kết và kết nối, điều rất quan trọng cho sự phát triển, bản sắc của con và nhiều hơn thế, cũng như cho mối quan hệ giữa bạn và con!

Lấy ví dụ về quá trình thụ đắc ngôn ngữ của trẻ. Chúng ta thường nghĩ rằng các video giáo dục có thể giúp trẻ học từ mới. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra rằng mỗi 30 phút sử dụng màn hình cho trẻ từ 8 đến 16 tháng tuổi, nguy cơ chậm phát triển ngôn ngữ biểu đạt của trẻ lại tăng lên 49%. Điều này không có nghĩa là màn hình trực tiếp gây ra tình trạng chậm phát triển ngôn ngữ, nhưng nó nhấn mạnh tầm quan trọng của tương tác trực tiếp đối với sự phát triển ngôn ngữ. Đơn giản chỉ cần để trẻ ngồi trên đùi của bạn và đọc to, kể về câu chuyện, những gì xảy ra trong mỗi hình ảnh, màu sắc, ngôn từ, hỏi trẻ những câu hỏi mở giúp kích thích kỹ năng tư duy phản biện, trí tò mò vì đang có những điều mà trẻ không biết (và trẻ sẽ muốn biết, vì đó là cách trẻ phát triển), đó là công thức đơn giản nhất cho một giờ đọc truyện vui vẻ! Một mẹo đơn giản ở đây là khi bạn đọc xong cuốn sách, hãy dừng một thời gian, sau đó quay lại đọc chính cuốn đó, sự lặp lại này sẽ giúp củng cố từ vựng và ý nghĩa, đoạn hội thoại bạn thực hiện, cũng như câu chuyện trong sách, một lợi ích lớn cho cả bạn và con.


2e5a1d38 13cf 4ef4 a38c bd9a76eb93b8Trẻ từ 0-2 tuổi rất cần những trải nghiệm thực tế, đa giác quan.


Các hoạt động thay thế thời gian sử dụng màn hình cho trẻ

Vậy chúng ta có thể làm gì thay vì dựa vào màn hình? Dưới đây là một số ý tưởng giúp làm phong phú thêm thế giới của con:

  • Tương tác trực tiếp: Nói chuyện, hát và đọc cho con nghe. Những hoạt động này là “vàng” đối với bộ não đang phát triển của trẻ.
  • Khuyến khích các trò chơi kích thích giác quan: Hãy để trẻ khám phá các kết cấu, âm thanh và cảnh vật khác nhau trong môi trường xung quanh. Những hoạt động đơn giản như chơi với một tô nước và một vài ly nhựa sẽ là trải nghiệm giác quan hứng thú cho trẻ ở tuổi tập đi (hãy nhớ để trẻ chơi và chạm vào TẤT CẢ MỌI THỨ, vì đó là cách chúng học).
  • Khuyến khích vận động: Thời gian nằm sấp của trẻ sơ sinh, tập bò cho trẻ lớn hơn và hoạt động leo trèo an toàn cho trẻ mới biết đi, tất cả đều góp phần vào sự phát triển thể chất và nhận thức của trẻ. Lưu ý, đừng để trẻ nằm sấp quá lâu vì sẽ không tốt cho con.
  • Thúc đẩy tương tác xã hội: Chơi cùng bạn bè, dù chỉ là chơi song song, cũng là bước đầu để trẻ phát triển các kỹ năng xã hội.
  • Hòa mình vào thiên nhiên: Đi bộ một lúc ngắn bên ngoài cũng có thể là cơ hội học tập tuyệt vời cho trẻ nhỏ. Ngoài ra, ánh nắng mặt trời cung cấp vitamin gì cho con nhỉ? Nếu bạn không nhớ, thì hãy tra cứu đi! Bài tập về nhà dành cho bạn đấy!

Giờ bạn sẽ thắc mắc, “Vậy gọi video với ông bà đang ở xa thì sao?”. À, chúng ta có thể đưa ra một ngoại lệ riêng ở đây. Gọi video khác với các hình thức sử dụng màn hình khác vì hoạt động này có liên quan đến tương tác xã hội trực tiếp. Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics - AAP), các cuộc gọi video có thể là một cách hiệu quả để trẻ nhỏ kết nối với người thân. Tuy nhiên, bạn hãy lưu ý rằng với trẻ ở độ tuổi này, thời gian cho mỗi cuộc gọi video nên rất ngắn. Một vài phút tương tác là quá đủ cho trẻ. Hãy lưu ý những dấu hiệu chỉ ra con đang mất hứng thú hoặc bị kích thích quá mức và sẵn sàng kết thúc cuộc gọi khi cần thiết. Bạn luôn có thể gọi lại cho ba mẹ mình khi trẻ đang ngủ, họ hẳn sẽ hiểu thôi (bởi họ cũng đã từng ở trong tình huống này mà).

Là cha mẹ, đôi khi bạn sẽ cảm thấy áy náy khi phải sử dụng màn hình giúp cho con ngồi yên khi bạn phải đang nấu bữa tối hoặc nhận một cuộc điện thoại quan trọng. Nếu bạn thỉnh thoảng cần dùng đến thiết bị điện tử để dỗ con tạm thời, đừng quá nghiêm khắc với chính mình. Quan trọng là giải pháp này chỉ có thể là ngoại lệ chứ không phải quy tắc cố định. Thay vì phụ thuộc vào thiết bị điện tử, hãy dành riêng một khu vực vui chơi an toàn cho con trong bếp để trẻ tự do khám phá đồ chơi trong khi bạn nấu nướng. Hoặc dành riêng một hộp đồ chơi đặc biệt mà bạn chỉ đưa ra mỗi khi nhận cuộc gọi công việc để trẻ cảm thấy mới lạ và khám phá thật phấn khởi.

Tuy nhiên, nhóm thường gặp vấn đề nhất là những gia đình có người giúp việc hoặc người chăm sóc trẻ. Nếu gia đình bạn có người giúp việc, hãy hướng dẫn họ thật cụ thể để đảm bảo họ không gây ảnh hưởng tiêu cực đến con. Nhiều người sẽ bật hoạt hình như Tom và Jerry ngay khi bạn đi làm và mở liên tục cả ngày đến khi bạn đi làm về. Hãy thận trọng, vì tình huống này xảy ra rất thường xuyên trong ngày. Nếu người phụ giúp bạn không thể chăm sóc con theo cách mà con cần, hãy cân nhắc tìm người khác, và lặp lại như thế cho đến khi bạn tìm được đúng người!

Mỗi gia đình có hoàn cảnh riêng, và những hướng dẫn này chỉ nhằm cung cấp thông tin, không phải để áp đặt hay phán xét. Mục tiêu chính là tạo ra một môi trường khuyến khích và thúc đẩy trải nghiệm thực tế, giúp con phát triển và khôn lớn. Những năm tháng đầu đời cũng chính là lúc tạo nền móng cho hành vi sử dụng thiết bị điện tử của con. Khi bạn ưu tiên những trải nghiệm và tương tác thực, bạn cũng đang giúp con hình thành và duy trì sự cân bằng và thói quen sử dụng màn hình lành mạnh.

(Còn tiếp)


Để lại bình luận bên dưới



Bài viết liên quan


Sức khỏe của trẻ là mối quan tâm của cả gia đình
Sức khỏe của trẻ là mối quan tâm của cả gia đình
Nguyên nhân gây viêm kết mạc (đau mắt đỏ)
Nguyên nhân gây viêm kết mạc (đau mắt đỏ)
Tạo môi trường thuận lợi để trẻ có giấc ngủ ngon (Phần 2)
Tạo môi trường thuận lợi để trẻ có giấc ngủ ngon (Phần 2)
Làm sạch xanh và trẻ em
Làm sạch xanh và trẻ em
Con bạn có béo phì không?
Con bạn có béo phì không?