www.schoolisting.vn - Schoolisting
Đã đăng 21/02/2025 trong Sức khỏe của con

Thời gian sử dụng thiết bị điện tử cho trẻ: Bao lâu là đủ? (Phần 2)


Thời gian sử dụng thiết bị điện tử cho trẻ: Bao lâu là đủ? (Phần 2)

Bài viết này được viết bởi Philip de Ath, Giám đốc vận hành tại Schoolisting.

Nguyễn Hà Thanh Thảo dịch sang tiếng Việt.

Mục lục
Phần 1
Khuyến nghị về thời gian sử dụng màn hình cho trẻ 2 - 4 tuổi
Khuyến nghị về thời gian sử dụng màn hình cho trẻ 4 - 6 tuổi


Khuyến nghị về thời gian sử dụng màn hình cho trẻ 2 - 4 tuổi

Khi con chuyển từ độ tuổi tập đi sang độ tuổi đi học mẫu giáo, thế giới của con bỗng rộng lớn hơn nhiều. Con thêm tò mò hơn, hoạt bát hơn và hứng thú nhiều hơn với những thiết bị điện tử bắt mắt. Nhưng thực tế, những gì con đang làm chỉ là phát triển bản thân và sự độc lập. Đây là một điều tuyệt vời, và con cần điều đó. Đồng thời, con cũng đang trong giai đoạn học hỏi rất nhanh (nhiều phụ huynh gọi đây là giai đoạn 'khủng hoảng tuổi lên hai'). Con sẽ tò mò không ngừng, liên tục hỏi 'Cái này là gì?', 'Cái kia là gì?' và 'Tại sao?' (hàng triệu lần mỗi ngày, hoặc chí ít ba mẹ cảm thấy nhiều đến thế). Điều này có thể khiến bạn khó chịu, rất nhiều, nhưng hãy kiên trì và cố gắng trả lời mọi câu hỏi của con, vì con rất cần những thông tin đó. Bạn có nhớ những gì chúng ta đã nói về các kết nối thần kinh trước đó không? Vâng, tất cả những câu hỏi cái gì và tại sao … thực chất là sự phát triển não bộ của con. Nếu bạn có thể đồng hành và hỗ trợ con vượt qua giai đoạn phát triển quan trọng này, bạn sẽ giúp con trở nên thông minh hơn trong tương lai!

Vì giai đoạn phát triển quan trọng này, việc quản lý thời gian sử dụng màn hình đối với các bậc cha mẹ là thử thách khó nhằn. Bạn muốn con tiếp cận với công nghệ một cách lành mạnh nhưng không muốn ảnh hưởng đến sự phát triển của con. Vậy hãy cùng khám phá cách chúng ta có thể đạt được sự cân bằng mong manh này.

Cân bằng thời gian sử dụng màn hình với các hoạt động khác

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ em từ 2-4 tuổi không nên ngồi trước màn hình quá một giờ mỗi ngày, và càng ít càng tốt. Vậy con số này thực tế có ý nghĩa gì?

Hãy hình dung một ngày của con trong một biểu đồ tròn đầy màu sắc. Phần lớn nhất trong đó sẽ dành cho vui chơi, vận động, tương tác xã hội và nghỉ ngơi. Thời gian sử dụng màn hình chỉ nên là một phần rất nhỏ trên biểu đồ đó, như vật trang trí trên món chính vậy.

Bạn có thể tham khảo lịch sinh hoạt mẫu hàng ngày dưới đây, minh họa việc kết hợp thời gian sử dụng màn hình hạn chế:

  • 7:00 sáng: Thức dậy, ăn sáng và các hoạt động theo lịch buổi sáng
  • 8:30 sáng: Vui chơi ngoài trời hoặc vận động trong nhà 
  • 10:00 sáng: Ăn nhẹ và vui chơi yên tĩnh (xếp hình, vẽ, v.v.) 
  • 11:00 sáng: Đọc sách cùng con
  • 12:00 trưa: Ăn trưa và chơi tự do 
  • 1:30 chiều: Ngủ trưa hoặc nghỉ ngơi nhẹ nhàng (không quá 45 phút) 
  • 3:00 chiều: Ăn nhẹ và 30 phút xem màn hình chất lượng (ba mẹ xem cùng con) 
  • 3:30 chiều: Vui chơi ngoài trời hoặc hoạt động sáng tạo 
  • 5:00 chiều: Giúp đỡ những công việc đơn giản, thời gian dành cho gia đình 
  • 6:00 tối: Ăn tối và các hoạt động theo lịch trước khi ngủ 
  • 7:30 tối: Giờ đi ngủ

Lưu ý rằng thời gian sử dụng màn hình chỉ nên là một phần nhỏ trong ngày và một ngày diễn ra với rất nhiều hoạt động khác nhau. Cách bố trí này giúp đảm bảo rằng thời gian sử dụng màn hình không thay thế các hoạt động phát triển thiết yếu của con.

Hiển nhiên, mỗi gia đình có nhịp sống riêng. Điều quan trọng là ưu tiên những hoạt động giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ và cảm xúc. Sử dụng thiết bị điện tử chỉ nên là hoạt động bổ sung, không phải thay thế bất kỳ hoạt động nào khác.

Lựa chọn nội dung chất lượng cho trẻ

Với trẻ ở độ tuổi đi học, khi nói đến thời gian xem màn hình, chất lượng cũng quan trọng như số lượng. Không phải tất cả thời gian sử dụng màn hình đều như nhau. Hãy cùng so sánh những đặc điểm của nội dung chất lượng cao và nội dung chất lượng thấp:

Nội dung chất lượng cao
Nội dung chất lượng thấp
Mang tính tương tác và hấp dẫnXem thụ động
Nhịp độ phù hợp với lứa tuổiNhịp độ nhanh, kích thích quá mức
Có giá trị giáo dụcHoàn toàn chỉ mang tính giải trí
Khuyến khích kỹ năng giải quyết vấn đềDựa vào các hành động lặp đi lặp lại
Khuyến khích sự sáng tạoHạn chế tư duy tưởng tượng
Đa dạngThiếu sự đa dạng
Không có quảng cáoChứa quảng cáo


Khi chọn ứng dụng, chương trình hoặc trò chơi cho trẻ, hãy tìm nội dung khuyến khích sự tương tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Ví dụ, một ứng dụng để con tự tạo câu chuyện hoặc tác phẩm nghệ thuật của riêng mình mang đến nhiều lợi ích hơn ứng dụng chỉ cần con nhấn chuyển tiếp để theo dõi câu chuyện dựng sẵn. Vấn đề ở đây là con học hỏi rất nhanh, khi con đã hoàn thành cùng một bảng ghép hình vài lần, con sẽ nhanh chán và mất hứng thú.

Ngoài ra, hãy lưu ý với nội dung được giới thiệu là mang tính giáo dục mà không có bất kỳ bằng chứng nào chứng minh điều đó. Thuật ngữ "giáo dục" thường được sử dụng bừa bãi trên các nội dung dành cho trẻ em. Hãy ưu tiên các ứng dụng và chương trình được phát triển bởi các chuyên gia về phát triển trẻ em và được xác thực bởi nghiên cứu về tính giáo dục của ứng dụng.


b3d960d9 59b7 4dca bfb5 aa397f7a0265Không phải tất cả thời gian sử dụng màn hình đều như nhau nên hãy lưu ý đến nội dung số bạn chọn.


Sự tham gia tích cực của phụ huynh

Một trong những cách hiệu quả nhất để nâng cao trải nghiệm về thời gian sử dụng màn hình của con là sự đồng hành của bạn. Khi tham gia cùng con trong thời gian này, bạn đang biến đổi một hoạt động thụ động thành trải nghiệm học tập tương tác cao.

Hãy tưởng tượng bạn đang xem một bộ phim tài liệu về thiên nhiên cùng với con ở độ tuổi lên 3. Thay vì chỉ xem trong im lặng, bạn có thể đặt những câu hỏi như:

  • “Con chim đó có màu gì nhỉ?”
  • "Con nghĩ bạn chú voi con cảm thấy thế nào khi chúng chơi đùa?"
  • "Sư tử tạo ra âm thanh gì nhỉ?"

Những câu hỏi này không chỉ thúc đẩy tư duy phản biện mà còn củng cố sự gắn kết giữa bạn và con. Bạn đang thể hiện hứng thú với những gì đang xem cùng con và giúp con tạo sự liên hệ giữa những gì con thấy trên màn hình và thế giới thực.

Dưới đây là một số cách khác để bạn tham gia tích cực vào thời gian sử dụng màn hình của con:

  • Xem trước nội dung trước khi xem cùng con để chuẩn bị các câu hỏi và nội dung thảo luận.
  • Kết nối nội dung xem trên màn hình với trải nghiệm thực tế. Nếu con đang sử dụng một ứng dụng về động vật ở trang trại, bạn có thể lên kế hoạch cho một chuyến đi đến một trang trại hoặc sở thú ở địa phương. Nhưng đừng đến vườn thú dành cho thú cưng, vì nơi đó tiềm ẩn nhiều mối nguy. Nguy cơ lây nhiễm chéo là một trong những mối lo ngại hàng đầu!
  • Mở rộng việc học. Sau khi xem chương trình về thế giới màu sắc trên màn hình, hãy cùng con thực hiện cuộc thám hiểm màu sắc trong khuôn viên nhà.
  • Tận dụng thời gian sử dụng màn hình làm nền tảng cho các hoạt động sáng tạo: Sau khi vẽ trên ứng dụng, hãy khuyến khích con sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật bằng vật liệu như bút và giấy.
  • Làm mẫu thói quen sử dụng màn hình lành mạnh. Hãy để con thấy và học theo cách sử dụng thiết bị điện tử có trách nhiệm, và hoàn toàn không sử dụng thiết bị khi đang tham gia các hoạt động khác.

Bạn không cần phải luôn ở bên cạnh con từng giây từng phút. Chỉ cần một vài câu hỏi hay nhận xét đúng lúc cũng có thể tạo ảnh hưởng khác biệt đến cách con xử lý thông tin và học hỏi nội dung đang xem. Quan trọng hơn, hãy linh hoạt và luôn quan sát con. Mỗi trẻ đều khác nhau và cách bạn áp dụng có thể phù hợp với trẻ khác nhưng không phải con. Hãy lưu ý cách con phản ứng trước những loại nội dung khác nhau và điều chỉnh cho phù hợp.

Khuyến nghị về thời gian sử dụng màn hình cho trẻ 4 - 6 tuổi

Khi con bước vào độ tuổi 4 - 6, bạn sẽ đồng hành cùng con khám phá một thế giới hoàn toàn mới. Con trở nên độc lập hơn, tò mò nhiều hơn nữa và tương tác của con với thế giới xung quanh, bao gồm cả thế giới số, cũng thay đổi. Việc quản lý thời gian sử dụng màn hình đối với trẻ ở nhóm tuổi này mang những thách thức và cơ hội đặc trưng.

Đồng hành cùng con trong thời đại số

Ở độ tuổi này, con đang hình thành nhận thức ngày càng cao về sự tự chủ. Con muốn tự lựa chọn và có thể bắt đầu thử thách những giới hạn (nhiều trẻ đã làm thế này từ 2 tuổi rồi!), cả giới hạn liên quan đến việc sử dụng thiết bị điện tử. Đây là giai đoạn thú vị, nhưng cũng cần ba mẹ suy nghĩ thấu đáo và áp dụng chiến lược phù hợp.

Dưới đây là một số chiến lược để thiết lập ranh giới rõ ràng đồng thời tôn trọng sự độc lập của con. Hãy nhớ tất cả trẻ em đều cần có ranh giới để con hiểu được khi nào mình đã vượt qua chúng:

  • Thiết lập các quy tắc rõ ràng về thời gian sử dụng màn hình: Hãy cùng cả gia đình xây dựng một thỏa thuận về việc sử dụng màn hình, nêu rõ địa điểm, khi nào và thời gian sử dụng bao lâu. Ví dụ, chỉ sử dụng thiết bị điện tử sau khi hoàn thành bài tập về nhà và phòng ngủ là khu vực không có màn hình. 
  • Sử dụng phương tiện hỗ trợ trực quan: Một biểu đồ đơn giản hoặc đồng hồ bấm giờ có thể giúp con dễ dàng hình dung và tuân theo quy định về thời gian sử dụng màn hình. Điều này giúp con cảm thấy được tự chủ và tránh tranh cãi.
  • Đưa ra các lựa chọn trong giới hạn: Thay vì cứng nhắc đưa ra yêu cầu “chỉ xem trong 30 phút”, bạn có thể nói, “Con có 30 phút sử dụng. Con muốn xem chương trình yêu thích hay chơi trò chơi đố toán nào?” Cách này giúp tôn trọng khả năng quyết định của trẻ nhưng vẫn duy trì các giới hạn.
  • Tạo khu vực và khung thời gian không sử dụng màn hình: Chỉ định một số khu vực nhất định trong nhà (như bàn ăn tối) và khung thời gian trong ngày (như một giờ trước khi đi ngủ) không được sử dụng màn hình. Điều này sẽ giúp xây dựng thói quen sử dụng lành mạnh và bảo đảm rằng những thiết bị này không phá vỡ thời gian gắn kết gia đình quan trọng hoặc lịch sinh hoạt trước khi ngủ.
  • Cho trẻ tham gia vào quá trình ra quyết định: Khi con lớn hơn, hãy để con cùng tham gia vào những cuộc thảo luận liên quan đến quy định về thời gian sử dụng màn hình. Điều này không có nghĩa là con đưa ra quyết định cuối cùng, mà con có thể đóng góp ý kiến và cảm thấy trách nhiệm và hiểu rõ hơn với những quy định đưa ra.


4146e9b9 1c30 46aa 8b66 8d303447393dBa mẹ hãy luôn đồng hành cùng con mọi lúc.


(Còn tiếp)


Để lại bình luận bên dưới



Bài viết liên quan


Sức khỏe của trẻ là mối quan tâm của cả gia đình
Sức khỏe của trẻ là mối quan tâm của cả gia đình
Nguyên nhân gây viêm kết mạc (đau mắt đỏ)
Nguyên nhân gây viêm kết mạc (đau mắt đỏ)
Tạo môi trường thuận lợi để trẻ có giấc ngủ ngon (Phần 2)
Tạo môi trường thuận lợi để trẻ có giấc ngủ ngon (Phần 2)
Làm sạch xanh và trẻ em
Làm sạch xanh và trẻ em
Con bạn có béo phì không?
Con bạn có béo phì không?