www.schoolisting.vn - Schoolisting
Đã đăng 28/02/2025 trong Sức khỏe của con

Thời gian sử dụng thiết bị điện tử cho trẻ: Bao lâu là đủ? (Phần 3)


Thời gian sử dụng thiết bị điện tử cho trẻ: Bao lâu là đủ? (Phần 3)

Bài viết này được viết bởi Philip de Ath, Giám đốc vận hành tại Schoolisting.

Nguyễn Hà Thanh Thảo dịch sang tiếng Việt.

Mục lục
Phần 1
Phần 2
Khuyến nghị về thời gian sử dụng màn hình cho trẻ 4 - 6 tuổi
Hãy trở thành tấm gương cho con
Kết luận


Khuyến nghị về thời gian sử dụng màn hình cho trẻ 4 - 6 tuổi

Giúp con thành thạo kỹ năng số và an toàn trực tuyến

Đến độ tuổi 4-6, con bắt đầu muốn khám phá thế giới số một cách độc lập hơn, thế nên việc trò chuyện về kỹ năng số và an toàn trực tuyến là vô cùng quan trọng, cũng như khi bạn dạy con cách đi bộ qua đường một cách an toàn.

Dưới đây là một số khái niệm chính cần giới thiệu:

  • Thông tin cá nhân: Giải thích cho con thông tin cá nhân là gì (tên, địa chỉ và số điện thoại) và tầm quan trọng của việc không chia sẻ những thông tin này trên các trang trực tuyến mà không có sự cho phép của người lớn.
  • Nội dung phù hợp: Hãy giúp con hiểu rằng rằng không phải tất cả những gì con xem trên không gian trực tuyến đều chính xác hay phù hợp. Hãy khuyến khích con trò chuyện với ba mẹ khi con thấy nội dung gì đó khiến con bối rối hoặc khó chịu.
  • Hành vi trực tuyến: Giới thiệu khái niệm công dân kỹ thuật số. Hãy giải thích cho con về việc giữ phép lịch sự và thái độ tôn trọng trong không gian số, cũng như khi ngoài cuộc sống thực tế. Ví dụ điển hình nhất là việc sử dụng chữ in hoa toàn bộ khi viết chữ cũng giống như khi con la hét vào mặt ai đó vậy.
  • Cân bằng thời gian sử dụng màn hình: Giúp con hiểu tầm quan trọng của việc duy trì sự cân bằng giữa việc sử dụng màn hình và các hoạt động khác. Bạn có thể nói với trẻ, “Giống như chúng ta cần ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau để giữ sức khỏe, chúng ta cần thực hiện các hoạt động khác nhau để giữ cho tâm trí và cơ thể khỏe mạnh.”
  • Tư duy phản biện: Khuyến khích con luôn nghi vấn những điều con xem được trên mạng. Ba mẹ có thể hỏi như, "Con nghĩ việc này có thể xảy ra trong thực tế không?” hay "Con nghĩ tại sao họ lại tạo ra trò chơi này nhỉ?"

Dưới đây là danh sách kiểm tra đơn giản mà bạn có thể xem xét cùng con về chủ đề an toàn trực tuyến:

  • Con sẽ nói với người lớn nếu con thấy điều gì đó trên mạng khiến con cảm thấy khó chịu hoặc sợ hãi. 
  • Con sẽ không chia sẻ thông tin cá nhân trực tuyến mà không hỏi ý kiến bố mẹ trước (Trước đó, con không nên nói chuyện với người lạ!). 
  • Con sẽ tử tế với người khác trên mạng, giống như con khi ở ngoài đời. 
  • Con sẽ hỏi bố mẹ trước khi tải xuống bất kỳ ứng dụng hoặc trò chơi nào. 
  • Con sẽ tạm dừng sử dụng màn hình để vui chơi, đọc sách và dành thời gian cho gia đình và bạn bè. 
  • Con sẽ nói với người lớn nếu ai đó con không quen biết cố gắng nói chuyện với con trên mạng.

Cân bằng thời gian sử dụng màn hình với bài tập ở trường và các hoạt động ngoại khóa

Ở độ tuổi này, con thường bắt đầu học tập theo chương trình bài bản có hệ thống và tham gia các hoạt động ngoại khóa. Việc phân bổ thời gian hợp lý giữa các hoạt động này và thời gian sử dụng màn hình là một thách thức nhưng cũng là một kỹ năng sống quan trọng mà con cần rèn luyện.

Dưới đây là một số chiến lược hữu ích:

  • Ưu tiên hoàn thành các nhiệm vụ học tập: Hãy xây dựng thói quen hoàn thành các nhiệm vụ học tập trước khi bắt đầu bất kỳ hoạt động giải trí trên màn hình nào. Điều này sẽ giúp con rèn luyện ý thức trách nhiệm (hãy giúp con nếu cần, vì con có thể cảm thấy bối rối và không có hứng thú với việc học).
  • Sử dụng thời gian sử dụng màn hình làm phần thưởng: Ví dụ, “Khi con làm xong bài đọc này, con có thể chơi trò chơi yêu thích trong 10 - 20 phút.
  • Kết hợp các giờ giải lao hiệu quả: Nếu con có nhiều bài tập về nhà, hãy khuyến khích con giải lao ngắn và hiệu quả thay xem màn hình để giải lao. Ví dụ như đứng dậy lắc lư hay nhảy nhót có thể giúp làm mới suy nghĩ và thư giãn tốt hơn.
  • Hạn chế yếu tố sao nhãng: Dành riêng không gian học tập, không có màn hình. Điều này sẽ giúp con thêm tập trung và học tập hiệu quả hơn.
  • Thúc đẩy việc đọc: Khuyến khích con đọc sách giấy thay vì sử dụng màn hình. Bạn có thể khích lệ con với phần thưởng như đọc sách trong bao lâu thì có thể sử dụng màn hình trong khoảng thời gian ngắn.
  • Tạo thói quen ngủ lành mạnh: Thiết lập thói quen không sử dụng màn hình trước khi đi ngủ. Thay vào đó, bạn có thể đọc sách cùng con, nghe nhạc nhẹ nhàng hoặc trò chuyện về ngày hôm nay..
  • Lên kế hoạch cho các hoạt động không sử dụng màn hình: Hãy giúp con khám phá và theo đuổi sở thích không cần sử dụng màn hình. Đó có thể là các môn thể thao, nghệ thuật, âm nhạc hoặc sở thích.

Mục tiêu của chúng ta không phải là loại bỏ hoàn toàn các thiết bị điện tử, mà là giúp trẻ hình thành thói quen sử dụng màn hình cân bằng, từ đó hỗ trợ sự phát triển và sức khỏe toàn diện của con. Khái niệm cân bằng của mỗi gia đình sẽ khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh riêng và giá trị mà gia đình ưu tiên.

Khi bạn hướng dẫn con hình thành kỹ năng này, bạn cũng đang giúp con học về kỹ năng tự kiểm soát, tư duy và giá trị của sự cân bằng. Đây là những kỹ năng quan trọng sẽ giúp con trong mọi khía cạnh cuộc sống, cả hiện tại và tương lai.


3b8d6948 44a9 47e2 be8c f09772997c0cHãy luôn đồng hành cùng con trong mọi hoạt động

Hãy trở thành tấm gương cho con

Là ba mẹ, bạn hẳn không ít lần cảm thấy khó khăn khi đảm nhận vai trò người thầy đầu tiên và ảnh hưởng nhất của con. Vai trò này gắn với mọi khía cạnh cuộc sống và tất nhiên cả thế giới số. Bạn đã bao giờ bắt gặp con mình bắt chước cách bạn lướt điện thoại hoặc con với lấy một thiết bị trong thời gian dành cho gia đình chưa? Đây là lời cảnh báo mạnh mẽ rằng con luôn dõi theo và học theo mọi hành vi của ba mẹ.

Thực tế là, thói quen sử dụng màn hình của chúng ta có tác động rất lớn đến thái độ của con với thiết bị điện tử. Cả lời nói và hành động của chúng ta đều có sức ảnh hưởng.

Tầm quan trọng của việc làm gương

Trẻ em là những nhà bắt chước tài ba. Con luôn quan sát và học hỏi mọi thứ từ bố mẹ, từ cách nói chuyện đến cách cư xử và tất nhiên cả thói quen sử dụng công nghệ. Nếu chúng ta dán chặt mắt vào màn hình, con sẽ xem đó là một hoạt động bình thường và được mong đợi.

Hãy tưởng tượng bạn đang chơi ở công viên cùng con, một em bé 5 tuổi, nhưng bạn không tương tác với con mà cứ chăm chú lướt mạng xã hội? Hình ảnh này truyền tải thông điệp gì? Đó là những tương tác trực tuyến quan trọng hơn trải nghiệm thực tế.

Trái lại, khi bạn làm gương việc sử dụng màn hình cân bằng, bạn đang dạy con bài học quý giá về sự cân bằng, tự kiểm soát và giá trị của tương tác trực tiếp. Bạn gửi đến con thông điệp rằng dù công nghệ rất hữu ích, nó vẫn không thể thay thế trải nghiệm thực tế và các mối quan hệ.

Trở thành tấm gương về thói quen sử dụng màn hình lành mạnh cho con

Vậy thì, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để bạn trở thành hình mẫu mà con cần? Hãy thử một số lời khuyên thiết thực sau:

  • Dành riêng khung giờ “không màn hình": Dành riêng những khoảng thời gian không có thiết bị điện tử cho cả gia đình. Đó có thể là giờ ăn, giờ chơi gia đình buổi tối, hoặc một giờ trước khi đi ngủ. Bạn có thể nói, "Đã đến giờ ăn tối rồi. Cả nhà mình sẽ không dùng điện thoại và cùng kể về ngày hôm nay của mình nhé.” Môi trường gia đình gắn kết sẽ mang đến cho con nhiều lợi ích trong những năm tháng đầu đời và cả sau này.
  • Có mặt trọn vẹn khi chơi với con: Khi chơi với con, hãy tập trung hoàn toàn vào con. Cất điện thoại đi và tham gia vào trò chơi một cách hào hứng hoặc trò chuyện cùng con. Điều này giúp con hiểu rằng con quan trọng hơn bất kỳ thiết bị, không gian số nào.
  • Thuật lại việc sử dụng màn hình của bạn: Khi bạn cần sử dụng thiết bị điện tử khi ở gần con, hãy giải thích cho con hiểu việc bạn đang làm. Ví dụ: "Ba/Mẹ đang kiểm tra dự báo thời tiết cho chuyến dã ngoại ngày mai của chúng ta" hoặc "Ba/Mẹ đang cần gửi nhanh một tin nhắn cho bà để cảm ơn bà về món quà". Việc giải thích giúp trẻ hiểu rằng việc sử dụng màn hình này là có mục đích và phù hợp với hoàn cảnh.
  • Thể hiện sự hào hứng với các hoạt động không sử dụng màn hình: Hãy thể hiện sự hào hứng đối với các hoạt động không sử dụng màn hình. Bạn có thể nói, "Ba/Mẹ đang rất mong chờ cuộc dạo chơi ngày mai. Ba/Mẹ thích cùng con đi khám phá các loài cây và loài chim mới!"
  • Gắn kết hành động và lời nói: Nếu bạn đã đặt ra quy tắc về việc không sử dụng điện thoại trên bàn ăn, bạn hãy nhớ tuân theo. Sự nhất quán là chìa khóa khi bạn cần làm gương cho con. 
  • Làm chủ bản thân: Nếu bạn nhận được thông báo điện thoại trong thời gian dành cho gia đình, hãy cưỡng lại mong muốn kiểm tra nó ngay lập tức. Điều này cho con thấy tầm quan trọng của việc kiểm soát bản thân khi sử dụng thiết bị.
  • Cân bằng thời gian sử dụng màn hình của chính bạn: Hãy chú ý đến lượng thời gian bạn dành cho màn hình khi có con ở bên. Cố gắng cùng con tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau trong ngày để thể hiện rằng cuộc sống bên ngoài luôn phong phú và trọn vẹn hơn.

Vượt qua thử thách

Tất nhiên, việc làm gương thói quen sử dụng màn hình lành mạnh không hề dễ dàng. Chúng ta đang sống trong một thế giới không giới hạn, chúng ta dựa vào vô số thiết bị để làm việc, giao tiếp và tiếp cận thông tin. Dưới đây là một số cách để vượt qua thử thách:

  • Cân bằng giữa công việc và cuộc sống: Nếu bạn cần làm việc ở nhà, hãy cố gắng tách biệt thời gian làm việc với thời gian dành cho gia đình. Bạn có thể nói, "Mẹ cần trả lời một số email công việc ngay bây giờ, nhưng trong 30 phút nữa, mẹ sẽ làm xong và chúng ta có thể cùng đọc truyện nhé."
  • Tình huống khẩn cấp: Giải thích cho con rằng đôi khi người lớn cần sử dụng điện thoại vì những lý do quan trọng. Bạn có thể nói, "Ba/Mẹ cần nhận cuộc gọi này vì nó liên quan đến sức khỏe của ông nội, nhưng bố sẽ cố gắng kết thúc nhanh."
  • Cám dỗ trên mạng xã hội: Nếu bạn thấy mình thường xuyên xem mạng xã hội, hãy cân nhắc việc di chuyển các ứng dụng mạng xã hội ra khỏi màn hình chính hoặc đặt giới hạn thời gian cho chúng. Điều này có thể giúp bạn tránh việc mở và lướt chúng một cách vô thức.
  • “Cai nghiện” kỹ thuật số: Hãy cân nhắc việc dành một vài ngày trong tuần hoặc cuối tuần “cai nghiện” màn hình cùng gia đình. Đây có thể là một cách tuyệt vời để thiết lập lại thói quen và khám phá lại các hoạt động ngoài trời mà bạn và con đều yêu thích.

Chúng ta đều là con người và sẽ có lúc chúng ta không hoàn hảo như những tiêu chuẩn mình đã đặt ra. Điều quan trọng là sự tự nhận thức về thói quen của bản thân và không ngừng trở thành hình mẫu tích cực cho con mọi lúc, mọi nơi.


a20d2609 998a 4013 8dd5 5f9dbfb6d981Hãy ưu tiên các hoạt động trải nghiệm cho trẻ


Kết luận

Qua bài viết, có thể thấy rằng việc cân bằng giữa công nghệ và sự phát triển của con vừa là một nghệ thuật, vừa là một khoa học. Từ khi trẻ vừa chập chững đến khi trẻ đi học, mỗi giai đoạn đều có những thách thức và cơ hội liên quan đến việc quản lý thời gian sử dụng màn hình

Những hướng dẫn đưa ra trong bài viết không vì mục tiêu hạn chế trải nghiệm của con, mà là giúp con làm giàu chúng. Khi kết hợp công nghệ một cách hợp lý trong cuộc sống, bạn đang giúp con hình thành và duy trì thói quen sử dụng màn hình lành mạnh, sẽ giúp ích cho con sau này. Từ việc lựa chọn nội dung phù hợp cho trẻ nhỏ đến việc cùng trẻ khám phá thế giới số và làm gương tốt, mỗi hành động của bạn đều có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển toàn diện của con.

Khi bạn suy ngẫm về thời gian sử dụng màn hình của gia đình mình, hãy xem xét lợi ích lâu dài của một giải pháp ưu tiên sự cân bằng. Bằng cách ưu tiên các tương tác thực, thúc đẩy sự sáng tạo và nuôi dưỡng các kỹ năng tư duy phản biện, bạn đang tạo tiền đề cho sự phát triển nhận thức, xã hội và cảm xúc của con. Hãy nhớ rằng, vấn đề không phải là sự hoàn hảo mà là sự tiến bộ và hình thành nhận thức.

Chúng tôi rất muốn lắng nghe những câu chuyện của bạn về hành trình đồng hành cùng con trong việc sử dụng màn hình. Những khó khăn nào bạn đã gặp phải? Bạn đã vượt qua chúng như thế nào? Hãy chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của bạn trong phần bình luận bên dưới để cùng nhau học hỏi và trưởng thành cùng con mình trong thời đại kỹ thuật số này.


Để lại bình luận bên dưới



Bài viết liên quan


Sức khỏe của trẻ là mối quan tâm của cả gia đình
Sức khỏe của trẻ là mối quan tâm của cả gia đình
Nguyên nhân gây viêm kết mạc (đau mắt đỏ)
Nguyên nhân gây viêm kết mạc (đau mắt đỏ)
Tạo môi trường thuận lợi để trẻ có giấc ngủ ngon (Phần 2)
Tạo môi trường thuận lợi để trẻ có giấc ngủ ngon (Phần 2)
Làm sạch xanh và trẻ em
Làm sạch xanh và trẻ em
Con bạn có béo phì không?
Con bạn có béo phì không?